Nhà đầu tư bất động sản đang dịch chuyển sau sáp nhập

Admin

Sau khi vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp, xu hướng chung cho thấy các nhà đầu tư bất động sản đang dần chuyển hướng theo chính sách mới, dịch chuyển dòng vốn sang các phân khúc khác hoặc những khu vực có tiềm năng rõ nét hơn

Giảm chi phí

Từ ngày 1/7, Việt Nam chính thức vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp . Cùng lúc, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng đi vào thực tiễn. Đây không chỉ là việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành mà còn được kỳ vọng mở ra những thay đổi mang tính nền tảng cho thị trường bất động sản .

Theo bà Đỗ Thị Thu Giang, Giám đốc Toàn quốc dịch vụ định giá và Tư vấn Savills Việt Nam, mô hình chính quyền hai cấp có thể sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực cấp phép đầu tư, xây dựng và phê duyệt dự án.

Nhà đầu tư bất động sản đang dịch chuyển sau sáp nhập- Ảnh 1.

Chính quyền 2 cấp được kỳ vọng mở ra những thay đổi mang tính nền tảng cho thị trường bất động sản.

Việc phân cấp xuống các chính quyền địa phương được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và giảm sự phụ thuộc vào các cơ quan Trung ương - vốn từng là nút thắt trong nhiều dự án tại các đô thị lớn.

Trên cơ sở đó, bà Giang cho rằng: “Tiến độ thực hiện dự án có thể sẽ được rút ngắn, giảm thiểu các chi phí phát sinh do trì hoãn, giúp nâng cao lợi nhuận cho các nhà đầu tư bất động sản.”

Cùng với việc tinh gọn bộ máy, yếu tố minh bạch và khả năng dự đoán trong hệ thống pháp lý được kỳ vọng sẽ cải thiện rõ rệt. Việc hợp nhất thẩm quyền ra quyết định ở cấp tỉnh giúp loại bỏ tình trạng chồng chéo trách nhiệm - nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu nhất quán trong cách hiểu và áp dụng pháp luật.

Đồng thời, nỗ lực chuyển đổi số như xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và hệ thống cấp phép điện tử sẽ tăng khả năng tiếp cận thông tin và hạn chế dư địa cho các can thiệp chủ quan. Theo bà Giang, đây là bước tiến giúp thị trường bất động sản tiệm cận hơn với các chuẩn mực quốc tế về tính minh bạch.

Nhà đầu tư chuyển hướng

Tương tự, bà Trịnh Thị Kim Liên, Giám đốc Kinh doanh Dat Xanh Services cho biết, thị trường bất động sản đang chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó ảnh hưởng lớn nhất là chủ trương sáp nhập tỉnh, thành có ảnh hưởng khá nhiều.

Cụ thể, việc sáp nhập các đơn vị hành chính, tái cấu trúc địa giới, mở rộng quy mô đô thị, tạo điều kiện quy hoạch lại tổng thể một cách bài bản, khoa học đồng thời các khu vực trước đây nhỏ lẻ, manh mún sẽ được quy hoạch thuận lợi cho phát triển các khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm dân cư tập trung.

“Nhà đầu tư tập trung vào các khu vực mới được nâng cấp, có khả năng trở thành trung tâm hành chính, kinh tế xã hội mới. Điều này tạo ra làn sóng đầu tư bất động sản đón đầu, đặc biệt là đất nền, nhà phố, căn hộ tại những khu vực trung tâm mới”, bà Liên nói.

Nhà đầu tư bất động sản đang dịch chuyển sau sáp nhập- Ảnh 2.

Thị trường bất động sản được dự báo sẽ khởi sắc sau khi sáp nhập các tỉnh, thành.

Đáng chú ý, việc này cũng thay đổi nhu cầu và hành vi sở hữu bất động sản khi người dân, nhất là cán bộ, nhân viên tại các địa phương sáp nhập có thể thay đổi nơi làm việc dẫn đến nhu cầu mua, thuê bất động sản mới tại trung tâm hành chính mới kéo theo sự sôi động của phân khúc nhà ở, dịch vụ, mặt bằng văn phòng…

Ngoài ra, việc sáp nhập dẫn đến điều chỉnh quy hoạch tổng thể, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Một số dự án đang trong quá trình thực hiện pháp lý có thể phải rà soát lại, dẫn đến chậm trễ tiến độ, ảnh hưởng tới nguồn cung mới ra thị trường.

“Trong 6 tháng đầu năm, thị trường chứng kiến tình trạng “sốt đất” cục bộ mang tính ngắn hạn, khi các nhà đầu tư đổ xô gom đất sau các thông tin sáp nhập. Điều này đã tạo ra hiện tượng đầu cơ, dẫn đến biến động giá bất động sản tại một số khu vực. Tuy nhiên, xu hướng chung cho thấy các nhà đầu tư đang dần chuyển hướng theo chính sách mới, dịch chuyển dòng vốn sang các phân khúc khác hoặc những khu vực có tiềm năng rõ nét hơn”, bà Liên nói.

Kéo theo đó, những diễn biến trên thị trường đã thúc đẩy các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Cụ thể, các doanh nghiệp lớn có xu hướng mở rộng danh mục đầu tư của mình vào các tỉnh mới sáp nhập . Đồng thời, sự dịch chuyển này cũng kéo theo sự gia tăng nhu cầu nhà ở tại các khu vực mới được sáp nhập.