Nguy cơ viêm thanh quản bởi nắng mưa thất thường

Admin

TP HCMThời tiết mưa nắng thất thường kèm ô nhiễm không khí tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển gây viêm thanh quản.

Miền Nam đang trải qua những ngày nắng mưa liên tục. Thay đổi thời tiết khiến hệ hô hấp khô, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công làm tăng nguy cơ viêm thanh quản. Ngày 18/10, ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát, Trưởng đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết một tuần qua hệ thống bệnh viện này tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân viêm thanh quản, tăng 29% so với tuần trước.

"Mũi hít không khí khô và lạnh kéo dài, cộng với tác nhân ô nhiễm trong không khí dễ dẫn đến tổn thương niêm mạch mũi", bác sĩ Phát nói, giải thích dịch từ mũi chảy xuống họng kích thích gây viêm thanh quản và viêm họng. Dịch mũi chảy xuống họng cũng gây ngứa nên người bệnh ho nhiều làm viêm đau họng, khàn tiếng.

Đơn cử, chị Lan, 43 tuổi, cổ đau, nói khàn giọng, súc họng bằng nước muối pha nhưng đau nặng hơn, sốt cao, mệt. Nội soi cho thấy hai dây thanh quản của chị đỏ, phù nề, niêm mạc mũi xung huyết nhiều dịch nhầy, niêm mạc họng đỏ rực. Đây là triệu chứng điển hình của bệnh viêm dây thanh quản cấp tính. Viêm nhiễm có thể lan nhanh từ mũi họng xuống thanh quản hoặc ngược lại.

Còn anh Tính, 45 tuổi, đau họng, bác sĩ nội soi mũi họng chẩn đoán viêm thanh quản, viêm vòm họng. Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân hạn chế nói nhiều trong 5-6 ngày, điều trị bằng thuốc uống kháng viêm, xịt mũi, vệ sinh họng.

Hai bệnh nhân này tái khám sau một tuần, triệu chứng hết hẳn.

Bác sĩ Phát nội soi họng cho một người bệnh. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7

Bác sĩ Phát nội soi họng cho một người bệnh. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7

Có nhiều nguyên nhân gây viêm thanh quản như virus gây cúm, vi khuẩn, viêm mũi xoang hoặc viêm đường hô hấp, nói quá nhiều, hét, hát to, sặc gây trào ngược, trực khuẩn bạch hầu (ít gặp)... Trong đó nguyên nhân thường gặp là thời tiết chuyển nóng lạnh thất thường hay lây từ viêm mũi và viêm họng. Triệu chứng bệnh tùy thuộc nguyên nhân, gồm đau họng, khàn tiếng, ho khan, đờm nhầy, ớn lạnh, sốt, mệt mỏi. Trẻ em bị viêm thanh quản có thể khóc khàn và khó thở.

Viêm thanh quản thường tự khỏi sau một tuần nếu tăng cường sức đề kháng đúng cách, bổ sung dinh dưỡng, điện giải. Một số trường hợp viêm kéo dài do vi khuẩn, cần được điều trị bằng thuốc.

Để phòng bệnh, bác sĩ Phát khuyến cáo giữ ấm cơ thể, uống nước ấm, vệ sinh sạch mũi và họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, mang khẩu trang khi đến nơi đông người. Tăng cường sức đề kháng bằng cách tập thể dục, bổ sung dinh dưỡng và vitamin C giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, virus.

Đinh Tiên

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp