Nguy cơ huyết khối ở phụ nữ dùng thuốc ngừa thai

Admin

Hiệu quả trong tránh thai và bổ sung nội tiết tố nhưng thuốc ngừa thai cũng liên quan một số tác dụng phụ ngoài ý muốn, đáng chú ý nhất là tăng nguy cơ hình thành huyết khối.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.CK1 Huỳnh Thị Ngọc Huyền, Bác sĩ điều trị - Khoa Hồi sức Cấp cứu Nội Tim mạch, Bệnh viện Tim Tâm Đức.

Thuốc ngừa thai được sử dụng rộng rãi để ngăn ngừa mang thai hoặc điều chỉnh cân bằng nội tiết tố. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu quả ngừa thai đường uống có thể lên đến 93%. Đây là phương pháp ngừa thai được đa số chị em phụ nữ lựa chọn bởi hiệu quả ngừa thai cao và dễ sử dụng.

Mặc dù có hiệu quả trong việc tránh thai và bổ sung nội tiết tố nhưng chúng cũng liên quan một số tác dụng phụ ngoài ý muốn, đáng chú ý nhất là tăng nguy cơ hình thành huyết khối.

Vào những năm 1960, các nghiên cứu bắt đầu chỉ ra rằng những thế hệ thuốc ngừa thai đường uống đầu tiên chứa hàm lượng ethinyl estradiol rất cao (150 mcg) có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối. Sau đó, các chuyên gia nhận định thuốc ngừa thai chứa hàm lượng estrogen thấp sẽ giảm nguy cơ hình thành huyết khối hơn so với hàm lượng cao.

Yếu tố nguy cơ hình thành huyết khối ở phụ nữ dùng thuốc ngừa thai

Hình thành huyết khối hay sự phát triển của các cục máu đông trong mạch máu có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng như huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, thuyên tắc phổi, hoặc thậm chí nhồi máu cơ tim cấp hay đột quỵ.

Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển huyết khối khi sử dụng thuốc ngừa thai như:

Loại thuốc ngừa thai

Thuốc ngừa thai đường uống kết hợp chứa các dạng tổng hợp của estrogen và progesterone, hoạt động bằng cách ngăn chặn quá trình rụng trứng, thay đổi lớp niêm mạc tử cung và làm dày chất nhầy cổ tử cung để ngăn cản tinh trùng.

Tuy nhiên, estrogen có thể làm tăng các yếu tố đông máu, khiến máu dễ bị đông hơn. Đây là lý do tại sao phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai đường uống kết hợp có nguy cơ cao hơn trong việc phát triển huyết khối, đặc biệt ở tĩnh mạch chân hoặc phổi.

Bệnh lý di truyền

Phụ nữ có các tình trạng di truyền như đột biến gen Factor V Leiden hoặc Prothrombin có khả năng hình thành huyết khối cao hơn nhóm không mang gen di truyền. Nếu kết hợp với các biện pháp tránh thai nội tiết thì nguy cơ này càng gia tăng.

Tuổi và hút thuốc lá

Tuổi tác cũng là một yếu tố quan trọng, đặc biệt là với phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ hình thành huyết khối cao hơn, đặc biệt nếu họ hút thuốc lá. Hút thuốc kéo dài gây hại cho mạch máu, điều này có thể làm tăng khả năng hình thành huyết khối khi sử dụng thuốc tránh thai.

Béo phì

Béo phì làm tăng áp lực lên tĩnh mạch dẫn đến dòng máu di chuyển chậm gây ứ trệ tuần hoàn, điều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Lối sống ít vận động ngồi lâu trong thời gian dài có thể làm tăng thêm nguy cơ này đặc biệt khi kết hợp với thuốc tránh thai.

Tiền sử huyết khối

Phụ nữ đã từng có huyết khối trước đây hoặc có tiền sử gia đình liên quan đến rối loạn đông máu có nguy cơ cao hơn khi sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết. Trong trường hợp này nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các phương pháp tránh thai khác.

Thuốc tránh thai hàng ngày cho phụ nữ. Ảnh minh họa: Tuệ Diễm

Thuốc tránh thai hàng ngày cho phụ nữ. Ảnh minh họa: Tuệ Diễm

Triệu chứng

Song song với việc sử dụng thuốc ngừa thai đường uống, chị em phụ nữ phải hết sức cẩn trọng nhận biết sớm các triệu chứng của huyết khối để đến khám tại các cơ sở y tế kịp thời.

Các triệu chứng của huyết khối có thể thay đổi tùy theo vị trí. Nhìn chung, các bệnh cảnh có thể xảy ra bao gồm:

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng cục máu đông hình thành trong hệ thống tĩnh mạch sâu, thường ở chân. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như thuyên tắc phổi.

Các triệu chứng thường gặp là sưng bắp chân hoặc đùi, đau và đỏ ở chân, thường xảy ra ở một bên, gây khó chịu, cảm giác nặng nề và có thể giới hạn vận động chân.

Thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi là tình trạng cục máu đông di chuyển từ các tĩnh mạch sâu lên phổi gây tắc nghẽn dòng chảy của máu.

Các triệu chứng thuyên tắc phổi có thể khác nhau tùy thuộc vào kích thước của cục máu đông và vị trí phần phổi bị ảnh hưởng, các dấu hiệu phổ biến bao gồm khó thở đột ngột, đau ngực và ho (có thể ho ra máu), nhịp tim nhanh, tụt huyết áp, ngất.

Nhồi máu cơ tim cấp

Nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi dòng máu cung cấp cho cơ tim bị tắc nghẽn. Điều này khiến một phần cơ tim bị thiếu oxy và có thể bị tổn thương hoặc chết nếu không được tái thông nhanh chóng.

Triệu chứng thường gặp là đau ngực với tính chất cơn đau như đau thắt, ép chặt hoặc đè nặng lên vùng ngực, thường kéo dài vài phút hoặc lâu hơn. Đau có thể lan ra vai, cánh tay (thường là tay trái) hoặc lan lên hàm. Bên cạnh đó, khó thở có thể đi kèm với đau ngực hoặc xảy ra độc lập. Người bệnh có thể cảm thấy khó thở, hụt hơi, hoặc không thể thở sâu.

Nhồi máu não cấp

Đột quỵ xảy ra khi dòng máu cung cấp cho một phần não bị gián đoạn hoặc giảm do huyết khối lấp mạch, khiến các tế bào não bị thiếu oxy và chết dần.

Triệu chứng chính của nhồi máu não là yếu đột ngột hoặc tê một bên cơ thể, khó nói hoặc các vấn đề về thị giác như nhìn mờ hoặc mất thị lực, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất ý thức đột ngột.

Phòng ngừa

Có nhiều chiến lược hiệu quả để phụ nữ giảm thiểu nguy cơ trong khi sử dụng thuốc tránh thai.

Tham khảo ý kiến bác sĩ

Trước khi bắt đầu bất kỳ phương pháp tránh thai nào, chị em phụ nữ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đánh giá các yếu tố nguy cơ cá nhân. Các yếu tố như tuổi tác, tiền sử gia đình về các rối loạn đông máu, tình trạng hút thuốc và các bệnh lý hiện có có thể ảnh hưởng đến lựa chọn biện pháp tránh thai. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên sử dụng các phương pháp ngừa thai không hormone khác hoặc viên uống chỉ chứa progestin.

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống như tập thể dục, quản lý cân nặng, tránh hút thuốc lá cũng góp phần đáng kể giảm thiểu rủi ro hình thành cục máu đông.

Nhận biết sớm triệu chứng

Phụ nữ đang sử dụng thuốc tránh thai nên nhận thức về các dấu hiệu hình thành huyết khối như sưng đau ở chân hoặc đau ngực, khó thở đột ngột.

Nhận diện sớm những triệu chứng này và đến khám tại các cơ sở y tế kịp thời có thể phát hiện và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Mỹ Ý