Người nghệ nhân "thổi hồn" cho những chiếc mặt nạ tuồng cổ

Admin

Nghệ nhân Nguyễn Văn Bảy âm thầm rong ruổi với những chiếc mặt nạ tuồng cổ. Qua hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông đã khắc sâu dấu ấn của mình trong lòng những ai yêu mến môn nghệ thuật dân gian này.

Người nghệ nhân già với tình yêu nghệ thuật hát bội

Giữa dòng người xe qua lại tấp nập, nơi góc phố thân quen tại Tp.HCM, một bóng hình đã trở nên vắng bóng, để lại nỗi nhớ nhung trong lòng nhiều người trẻ từng ái mộ. Đó là ông Nguyễn Văn Bảy, người nghệ nhân gốc tỉnh Bình Định, được biết đến với cái danh "nghệ sĩ vẽ mặt nạ tuồng cổ".

Người nghệ nhân "thổi hồn" cho những chiếc mặt nạ tuồng cổ- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bảy được biết đến với nghệ danh mỹ miều là "nghệ sĩ vẽ mặt nạ tuồng cổ".

Ông Bảy kể, ông sinh ra và lớn lên tại xã An Hòa (huyện An Lão, tỉnh Bình Định,) miền đất nổi tiếng là cái nôi của nghệ thuật hát bội Việt Nam. Từ nhỏ, ông đã nuôi dưỡng niềm đam mê với mặt nạ tuồng cổ. 

Năm 1992, sau nhiều lần lận đận mưu sinh tại Tp.HCM, tình yêu hát bội đã thôi thúc ông quay trở lại với đam mê chế tác mặt nạ, công việc mà ông gắn bó suốt hơn 30 năm qua. Dù không được đào tạo bài bản, nhưng bằng lòng say mê và sự kiên trì, ông Bảy đã tự mình mày mò, chọn lựa nguyên liệu và tìm ra phương pháp đúc mặt nạ từ khuôn thạch cao kết hợp với silicon.

Những tác phẩm mang hồn văn hóa

Những chiếc mặt nạ do ông Bảy tạo ra không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là biểu tượng của những giá trị văn hóa truyền thống. 

Mỗi chiếc mặt nạ đều phản ánh cá tính đặc trưng của từng nhân vật tuồng, được phác họa bằng những nét chấm phá và màu sắc riêng biệt. Những ai từng có cơ hội chiêm ngưỡng và sở hữu những tác phẩm của ông đều không khỏi trầm trồ trước sự sống động và tài hoa mà người nghệ nhân đã gửi gắm vào từng sản phẩm.

Người nghệ nhân "thổi hồn" cho những chiếc mặt nạ tuồng cổ- Ảnh 2.

Ông Bảy cạnh bên những đứa con tinh thần của mình.

Trong suốt những năm tháng rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kỹ, ông Bảy không chỉ mang theo những chiếc mặt nạ tuồng cổ, mà còn mang theo cả một phần hồn của nghệ thuật hát bội đến với người dân Tp.HCM. 

Những con đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trương Định, Điện Biên Phủ từng là điểm dừng chân lý tưởng cho những người yêu nghệ thuật. Và, chính ông Bảy đã trở thành một hình ảnh thân thuộc, gần gũi với những ai trân trọng vẻ đẹp truyền thống.

Người nghệ nhân "thổi hồn" cho những chiếc mặt nạ tuồng cổ- Ảnh 3.

Mỗi chiếc mặt nạ đều được ông chăm chút kỹ lưỡng đến từng chi tiết.

Từng chiếc mặt nạ ông bán, dù giá chỉ từ 100.000 - 400.000 đồng, nhưng đó là cả một tâm huyết, một niềm đam mê với nghệ thuật cổ truyền. Những chiếc mặt nạ ấy đã góp phần nuôi sống gia đình ông, giúp hai vợ chồng ông duy trì cuộc sống và nuôi con ăn học tại quận Tân Phú.

Nghệ nhân giữ lửa nghề truyền thống và chuyện đúc phiên bản trống đồng Ngọc Lũ lớn nhất Việt NamTruyền nhân nghệ nhân Hà Thị Cầu gìn giữ, lan tỏa tình yêu với hát xẩmVề làng nghề rèn nổi tiếng xem nữ nghệ nhân độc nhất luyện thép, mài dao

Giờ đây, hình ảnh người nghệ nhân già bên chiếc xe hàng sặc sỡ ấy ít còn xuất hiện trên đường phố Hồ Chí Minh. Một phần vì tuổi ông đã cao. Một phần vì kinh tế khó khăn, nhiều người không còn mặn mà với những chiếc mặt nạ thủ công của ông.

Nhưng những tác phẩm của ông, những chiếc mặt nạ tuồng cổ vẫn mãi là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của Thành phố này. 

Người nghệ nhân ấy, dù lặng lẽ và giản dị, nhưng đã để lại một dấu ấn khó phai nhòa trong lòng những ai yêu mến nghệ thuật và trân trọng giá trị truyền thống.

Người nghệ nhân "thổi hồn" cho những chiếc mặt nạ tuồng cổ- Ảnh 4.

Hình ảnh người nghệ nhân già bên chiếc xe hàng sặc sỡ ấy đến một ngày, có lẽ chỉ còn trong ký ức của những người từng biết đến ông.

"Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?" - câu hỏi tựa như lời thở dài của một thời đã qua, để lại niềm thương nhớ cho những ai từng chứng kiến sự hiện diện của một người tài hoa, với tình yêu nghệ thuật hát bội giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh.

Mỹ Hậu - Khuynh Hà