'Người Mỹ và Trung Quốc đặc biệt yêu thích dừa Việt Nam'

Admin

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký VINAFRUIT - cho biết: “Người Mỹ và Trung Quốc đặc biệt yêu thích dừa Việt Nam vì mùi thơm và vị ngọt đặc trưng. Xuất khẩu dừa có nhiều lợi thế như vận chuyển dễ, thời gian bảo quản dài. Trái dừa có thể chế biến thành nhiều sản phẩm khác".

Xuất khẩu tăng vọt

Theo số liệu được Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) công bố, trong tháng 2, xuất khẩu dừa tươi đạt 13,4 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 2 tháng đầu năm xuất khẩu dừa tươi thu về 33,3 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản phẩm chế biến từ dừa xuất khẩu tăng mạnh, trong tháng 2 đạt 23 triệu USD, tăng 112% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ dừa đạt 43,8 triệu USD, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.

'Người Mỹ và Trung Quốc đặc biệt yêu thích dừa Việt Nam'- Ảnh 1.

Dừa Việt Nam được Mỹ, Trung Quốc yêu thích, xuất khẩu tăng vọt. Ảnh minh họa: IT.

Theo VINAFRUIT, doanh thu từ xuất khẩu dừa tăng mạnh là dừa Việt Nam này ngày càng được ưa chuộng tại các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu dừa vào Mỹ đạt trên 17 triệu USD, tăng đến 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam hiện cũng trở thành nhà cung cấp dừa lớn thứ 3 cho Trung Quốc, chiếm hơn 20% thị phần tại nước này.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu dừa tươi và các sản phẩm từ dừa cho biết, tuần này, doanh nghiệp cũng có đơn hàng mới từ phía thị trường Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Số lượng đơn hàng tăng mạnh so với năm ngoái.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký VINAFRUIT - cho biết: “Người Mỹ và Trung Quốc đặc biệt yêu thích dừa Việt Nam vì mùi thơm và vị ngọt đặc trưng. Xuất khẩu dừa có nhiều lợi thế như vận chuyển dễ, thời gian bảo quản dài. Bên cạnh đó, trái dừa có thể chế biến thành nhiều sản phẩm khác như: Dừa khô, sữa dừa, nước dừa đóng hộp… nên được nhiều thị trường ưa chuộng”.

Hơn 600 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dừa đang tạo lợi thế lớn cho ngành xuất khẩu. Việt Nam hiện được xếp thứ tư trong số các nước xuất khẩu nhiều sản phẩm dừa trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 5 trên thế giới. Dừa Việt Nam còn được ưa chuộng tại các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu, Canada và Hàn Quốc.

Đặc biệt, gần đây Thái Lan chuyển sản xuất từ dừa khô sang dừa tươi nên thiếu hụt nguồn nguyên liệu, tăng nhập khẩu dừa nguyên liệu từ Việt Nam.

Dừa tươi ' cháy hàng'

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, năm nay dừa mất mùa nên sản lượng ít, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu rất cao. Điều này đã giúp cho giá dừa tươi và dừa khô nguyên liệu tăng mạnh, bà con trồng dừa có lãi nhiều hơn.

Dự báo, khi thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa hè nóng bức, nhu cầu tiêu thụ dừa tươi cả trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục tăng mạnh. Điều này có thể khiến giá dừa tăng cao, bởi đến tháng 8, tháng 9 thì dừa mới thu hoạch chính vụ.

Theo khảo sát, trước đây, tại các chợ truyền thống và vựa kinh doanh, giá dừa tươi thường chỉ 10.000 đồng/quả nhưng từ cuối tháng 3, giá dừa tươi tăng lên 15.000 đồng/quả. Hiện tại, thời tiết bắt đầu nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ dừa tăng cao, giá dừa bán lẻ đã lên đến 21.000 - 22.000 đồng/quả. Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước tới nay ở thị trường trong nước.

Tại Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh - những địa phương có diện tích dừa nhiều nhất - người dân cho hay, giá dừa liên tục tăng rất mạnh và nhu cầu thị trường lớn khiến nhiều hộ trồng dừa vô cùng phấn khởi.

Tuy nhiên, giá dừa nguyên liệu tăng cao, nhiều doanh nghiệp chế biến gặp khó trong việc cân đối hợp đồng đã ký với giá cũ, dẫn đến nguy cơ thua lỗ. Một số đơn vị buộc phải nhập khẩu dừa từ Indonesia hoặc mở rộng vùng thu mua sang các tỉnh lân cận để duy trì sản xuất, đáp ứng đơn hàng.

'Người Mỹ và Trung Quốc đặc biệt yêu thích dừa Việt Nam'- Ảnh 2.

Dừa tươi tăng giá kỷ lục, lên 21.000 - - 22.000 đồng/quả những ngày gần đây. Ảnh: TTXVN.

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, đến nay, dừa tươi đã được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Với vị ngọt, thanh mát, giống dừa xiêm dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính. Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản tốt, thời gian bảo quản có thể tới 70 ngày, giúp trái dừa tươi xuất khẩu vẫn bảo đảm được chất lượng khi tới tay người tiêu dùng. Các sản phẩm từ dừa cũng đa dạng, nên dừa Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cả nước hiện có 200.000 ha dừa, sản lượng 2 triệu tấn/năm. Dừa là một trong 6 loại cây được đưa vào đề án và phê duyệt đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tại nhiều tỉnh, thành.