Người bệnh ung thư hạch nên ăn uống thế nào

Admin

Người bệnh ung thư hạch ăn đa dạng nhóm chất béo, đạm, chất xơ từ thịt, cá, trứng, cam, quýt, táo, rau xanh… để tăng sức đề kháng, phục hồi sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi của người bệnh ung thư nói chung và ung thư hạch bạch huyết nói riêng.

BS.CKI Lê Ngọc Vinh, Đơn vị Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết trong quá trình điều trị, người bệnh ung thư cần nạp nhiều calo và protein (đạm) hơn bình thường, do cơ thể cần nhiều năng lượng để chống lại bệnh, chống nhiễm trùng, xây dựng tế bào và mô mới. Người đang điều trị hóa trị bị thay đổi vị giác, giảm cảm giác thèm ăn, khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém. Lúc này người bệnh không ăn đủ chất dễ suy kiệt, không có sức chống lại nhiễm trùng, giảm đáp ứng điều trị.

Bác sĩ Vinh chỉ ra một số nhóm thực phẩm có lợi cho người bệnh ung thư hạch bạch huyết.

Tinh bột (carbohydrate) như cơm, bún, phở, nui, bổ sung năng lượng chính cho người bệnh. Tinh bột cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chất xơ, giữ cho nhu động ruột hoạt động tốt.

Bác sĩ Vinh khám cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Vinh khám cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Chất đạm (protein) cần thiết để cơ thể sửa chữa các tế bào, mô, duy trì cơ bắp và hệ thống miễn dịch. Món nhiều đạm người ung thư hạch nên ăn thường xuyên gồm thịt, cá, trứng và các sản phẩm từ sữa, sản phẩm có nguồn gốc thực vật như đậu, đậu lăng, các loại hạt, bơ hạt, đậu nành.

Người mắc ung thư hạch bạch huyết nên bổ sung thêm sữa, sản phẩm từ sữa trong chế độ ăn hàng ngày để cung cấp đủ đạm và canxi vì có vai trò quan trọng với xương, kẽm giúp vết thương mau lành. Người bệnh không dung nạp (tiêu hóa) lactose (loại đường có trong sữa bò, sữa mẹ) hoặc theo chế độ ăn thuần chay có thể thay sữa bò thành các loại sữa ngũ cốc, sữa đậu nành...

Chất béo là nguồn cung cấp năng lượng, vitamin và axit béo thiết yếu (omega-3 và omega-6). Người bệnh nên lựa chọn các loại chất béo lành mạnh (chất béo không bão hòa) vì tốt cho sức khỏe tổng thể, không ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa, tim mạch. Chất béo không bão hòa có thể giúp giữ cho tim khỏe mạnh, giảm cholesterol, được tìm thấy nhiều trong các loại hạt (mắc ca, đậu phộng, hạnh nhân, óc chó...), trái bơ.

Chất xơ, vitamin và khoáng chất thường có nhiều trong trái cây và rau xanh như cam, quýt, táo, nho, bông cải, rau xanh... Chúng còn cung cấp chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lại bệnh và hồi phục sau điều trị.

Ngoài chế độ ăn uống khoa học, đa dạng các loại thực phẩm, đảm bảo đủ dinh dưỡng, bác sĩ Vinh khuyên người bệnh uống đủ nước. Một số phương pháp điều trị ung thư hạch bạch huyết có thể gây mất nước do tác dụng phụ như tiêu chảy, nôn mửa. Người bệnh nên uống 1,5-2 lít nước tùy trọng lượng cơ thể, uống từng ngụm nhỏ ngay cả khi không khát để giữ nước. Nên hạn chế các loại nước, đồ uống chứa caffeine, cồn...

Nguyễn Trăm

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp