Ngồi tù vì lừa đảo trực tuyến

Admin

Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, ước tính cứ 220 người dùng điện thoại thông minh sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến và tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 tại Việt Nam ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện bắt tạm giam Nguyễn Văn Linh (sinh năm 2000, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) và Thái Nguyễn Triều (sinh năm 2004, trú xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, từ giữa năm 2024, Linh cùng đồng phạm đã tạo lập các tài khoản mạng xã hội Facebook, Tiktok tự xưng là nhân viên ngân hàng hỗ trợ trực tuyến việc xác thực tài khoản và nâng hạn mức giao dịch. Linh tìm kiếm các bài viết của những người dùng mạng xã hội đăng tải công khai cần xác thực tài khoản, rồi chủ động nhắn tin hỗ trợ. Sau đó, Linh và Triều đã yêu cầu bị hại cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP rồi thực hiện hành vi rút tiền trong tài khoản người bị hại. Với thủ đoạn này, Linh và đồng phạm đã chiếm đoạt được hơn 200 triệu đồng.

Ngồi tù vì lừa đảo trực tuyến- Ảnh 1.

Cảnh báo 10 chiêu trò lừa đảo trực tuyến cùng cách phòng tránh

Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng cho biết: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Điều luật này có nhiều khung hình phạt tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và số tiền mà các đối tượng phạm tội chiếm đoạt được của nạn nhân. Theo đó, khung hình phạt nhẹ nhất được quy định tại Khoản 1 Điều luật là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; khung hình phạt nặng nhất quy định tại Khoản 4 của Điều luật là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hưng, nếu không may bị lừa đảo trực tuyến, nạn nhân nên trình báo ngay cho cơ quan chức năng dù rằng nạn nhân có thể phải chờ một thời gian dài cho đến khi vụ việc của mình được giải quyết. Bởi việc tập hợp thông tin, thu thập chứng cứ và phá án có thể phải mất thời gian dài.

"Đáng mừng là hiện nay, từ các thông tin trình báo của người dân, các cơ quan chức năng sau khi thu thập đã lên các chuyên án đấu tranh, cũng đã phá rất nhiều các chuyên án lớn. Từ đó sẽ nhân rộng những kinh nghiệm để các cơ quan chức năng có thể đánh án một cách triệt để hơn, trên cơ sở đó trấn áp các đối tượng phạm tội này. Từ đó có thể là tìm cách thu hồi lại phần nào tài sản cho người dân để đỡ thiệt hại." - Luật sư Nguyễn Văn Hưng nhận định.

Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm có đặc điểm, phương thức, thủ đoạn phạm tội hết sức tinh vi, khó bị phát hiện. Vì thế người dân cần hết sức cảnh giác để không “dính bẫy” của loại tội phạm này.