Nghịch lý kinh tế với ChatGPT

Admin

Có một nghịch lý là ChatGPT đang tạo ra rất nhiều dịch vụ có giá trị cao, nhưng gần như không có chi phí và đặc biệt là có chi phí cận biên bằng không.

GS.TS Trần Thọ Đạt
GS.TS Trần Thọ Đạt
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân
37 bài viết
Trong quá trình phối hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ, không có công thức chung và lời giải chắc chắn đúng. Bất kỳ phương án nào cũng đòi hỏi một mức độ quyết đoán và chấp nhận rủi ro.
Tại: Phối hợp chính sách tài khoá và tiền tệ hiệu lực và hiệu quả: Chìa khoá để gói hỗ trợ phát huy tác dụng
Gói Hỗ trợ an sinh lần 2 phải được thực hiện kịp thời để nhóm người lao động bị ảnh hưởng nặng nề sẽ vượt qua được thời khắc khó khăn nhất, vào lúc cần thiết nhất…
Tại: GS. Trần Thọ Đạt: Cần bổ sung thêm một số đối tượng hỗ trợ trong gói an sinh xã hội lần 2

Trong những năm gần đây, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đã dẫn đến một làn sóng công nghệ mới đang có tác động mang tính cách mạng làm thay đổi phương thức sống và làm việc của con người. Một trong những dấu ấn quan trọng nhất của AI là sự phát triển của chatbot - một mô hình ngôn ngữ sử dụng máy học để tạo ra văn bản tương tác với con người, điển hình là ChatGPT do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển đã thu hút số lượng lớn người dùng.

Ra đời từ tháng 11/2022, Chat GPT chỉ trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng gây sốt trên toàn cầu với hơn một triệu người đăng kí chỉ sau một tuần ra mắt, và tính đến ngày cuối tháng 1/2023 đã cán mốc hơn 100 triệu người dùng. Trong khi đó, theo thống kê của Sensor Tower, Facebook phải mất gần 2 năm, nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok cần 9 tháng, Instagram mất tới 2,5 năm, còn ứng dụng dịch Google Translate phải mất hơn 6 năm mới đạt con số 100 triệu người dùng.

ChatGPT cũng như sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đã dẫn đến một làn sóng công nghệ mới đang có tác động mang tính cách mạng làm thay đổi phương thức sống và làm việc của con người. Tác động lớn nhất của trí tuệ nhân tạo sẽ là giúp con người thực hiện những khám phá mà con người không thể tự mình thực hiện được. ChatGPT sử dụng thông tin mà con người “có” để tạo thông tin mà con người rất khó có thể có được, đặc biệt là trong lĩnh vực dự đoán. Trên phương diện “kinh tế”, ChatGPT có tác động như thế nào?

ChatGPT có mang lại “cuộc cách mạng hóa nền kinh tế truyền thống”?

Trong nhiều lĩnh vực công việc khác nhau, ChatGPT có thể giúp mở rộng chuyên môn và khả năng của những người không phải là chuyên gia, chẳng hạn các nhà kinh tế có ít kiến thức về các công cụ máy học phức tạp, có được một công cụ tìm kiếm tài liệu, tức là có thể mang máy học đến với các kinh tế.

Để xác định mức đóng góp cụ thể của AI vào GDP, cần xem xét nhiều yếu tố, bao gồm tốc độ phát triển của công nghệ AI, đầu tư và sự áp dụng của công nghệ này trong các ngành công nghiệp khác nhau, sự phát triển của hệ thống giáo dục và đào tạo AI và chính sách hỗ trợ của chính phủ.

Mặc dù chưa có các nghiên cứu đầy đủ về đóng góp kinh tế của AI, một báo cáo của Goldman Sachs được công bố vào tháng 4 năm 2023, cho thấy rằng AI có thể tăng GDP toàn cầu thêm 7% trong thập kỷ tới. Bất chấp còn có những do dự và lúng túng từ phía các doanh nghiệp, công nghệ AI được dự đoán sẽ tạo ra gần 16.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới vào năm 2030.

Đó cũng là lý do nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng cường mức độ chi tiêu cho công nghệ này. Một số nhà kinh tế cũng nhận định rằng nếu có chính sách ứng dụng, phát triển công nghệ AI, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á sẽ thu về những món lợi trị giá hàng tỷ USD từ trí tuệ nhân tạo.

Tại Đông Nam Á, công nghệ AI được dự đoán sẽ đóng góp 1.000 tỷ USD vào GDP của các quốc gia trong khu vực vào năm 2030. Trong đó, AI được kỳ vọng đóng góp 92 tỷ USD cho GDP Philippines, đối với Indonesia, công nghệ AI có thể bổ sung 366 tỷ USD vào GDP nước này trong thập kỷ tới.

Trong những năm gần đây, AI đã có những đóng góp đáng kể vào nền kinh tế Việt Nam thông qua các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, bán lẻ, sản xuất và nông nghiệp. Nếu phát triển một cách tối ưu, AI có thể đóng góp một phần lớn vào GDP Việt Nam trong những năm tới, tạo ra sự tăng trưởng nhanh chóng và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực kinh tế.

Tuy nhiên, đằng sau những con số “bằng tiền” ấy, trí tuệ nhân tạo mà cụ thể là ChatGPT đang tạo ra những phúc lợi mà kinh tế học truyền thống đã không tính đến, cũng giống như các dịch vụ thông tin và dữ liệu miễn phí Wikipedia, dịch vụ email như Gmail, bản đồ kỹ thuật số như Google Maps, và nền tảng chia sẻ video TikTok. Các sản phẩm này đều có giá trị kinh tế khổng lồ, các dịch vụ mang lại phúc lợi rất lớn, tuy nhiên về cơ bản lại không được tính trong hệ thống tài khoản quốc gia.

Có một nghịch lý là ChatGPT đang tạo ra rất nhiều dịch vụ có giá trị cao, nhưng gần như không có chi phí và đặc biệt là có chi phí cận biên bằng không. Trong nền kinh tế số, dữ liệu đang ngày càng trở thành nhân tố sản xuất quan trọng, tuy nhiên rất khó để đo lường chính xác giá trị của tài sản vô hình ngoài việc xác định sự tồn tại của chúng.

Nghịch lý kinh tế với ChatGPT - Ảnh 1.

Do vậy, một thách thức đặt ra mang tính cách mạng đối với các mô hình kinh tế truyền thống hiện nay là làm thế nào để kết hợp được yếu tố “dữ liệu” với các yếu tố truyền thống, đặc biệt là vốn nhân lực, vốn con người, để đánh giá được đầy đủ và chính xác hơn các nguồn tăng trưởng và đóng góp của từng nhân tố.

ChatGPT có giải được bài toán “”Nghịch lý năng suất Solow”?

Paul Krugman đã nhận định rằng năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài nó hầu như là tất cả đối với khả năng cải thiện mức sống của một quốc gia theo thời gian. Mặc dù tăng trưởng năng suất được coi là yếu tố quyết định để các quốc gia trở nên giàu có và thịnh vượng hơn, nhưng điều không may mắn là quá trình này đã trở nên ảm đạm ở Mỹ và hầu hết các nền kinh tế tiên tiến (Vương quốc Anh và Nhật Bản là những trường hợp cụ thể) từ những thập niên 1980.

Năm 1987, Robert Solow, người đã đoạt giải Nobel năm đó nhờ giải thích cách thức đổi mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đã có câu nói nổi tiếng: “Bạn có thể thấy thời đại máy tính ở mọi nơi, ngoại trừ trong các số liệu thống kê về năng suất”. “Nghịch lý năng suất Solow” này đề cập đến hiện tượng trong những năm 1980 và 1990, mặc dù có sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin, tăng trưởng năng suất ở Hoa Kỳ là không đáng kể.

Các cuộc thảo luận và tranh luận giữa các nhà kinh tế về nghịch lý này liệu có xảy ra với AI hay không cho thấy đã có những lo lắng rằng các nhà phát triển AI đang có những nhận định và đánh giá hơi lạc quan về công nghệ trí tuệ nhân tạo. Hai năm trước, người ta đã dự đoán sự bùng nổ năng suất từ AI và các công nghệ kỹ thuật số khác, và ngày nay người ta lại tiếp tục lạc quan về tác động của các mô hình AI mới. Phần lớn sự lạc quan này đến từ niềm tin rằng các doanh nghiệp có thể hưởng lợi rất nhiều từ việc sử dụng AI như ChatGPT để mở rộng dịch vụ và cải thiện năng suất lao động.

Với những nền kinh tế có tốc độ phát triển AI như hiện nay thì phần lớn nhân lực sẽ là công nhân tri thức và công nhân thông tin. Câu hỏi đặt ra là vậy thì khi nào thì mức tăng năng suất sẽ được cải thiện cơ bản? Câu trả lời mang tính “nguyên lý” cho đến nay là điều đó phụ thuộc vào việc liệu chúng ta có thể tìm ra cách sử dụng công nghệ mới nhất và khác với trong quá trình chuyển đổi doanh nghiệp trong thời đại máy tính trước đây hay không.

Phần lớn các nhà kinh tế hiện nay cho rằng, cần sự kiên nhẫn khi số liệu thống kê hiện tại vẫn cho thấy trí tuệ nhân tạo và các công nghệ kỹ thuật số khác đang có tác động khá chậm một cách đáng ngạc nhiên trong việc cải thiện tăng trưởng kinh tế. Lý do là cho đến nay, các công ty mới chỉ sử dụng AI để thực hiện các nhiệm vụ “tốt hơn một chút” mà thôi.

Tuy nhiên, với hy vọng ChatGPT và các chatbot AI khác hiện nay chủ yếu là tự động hóa công việc nhận thức, nó khác với các yêu cầu đòi hỏi đầu tư vào thiết bị và cơ sở hạ tầng, nên việc tăng năng suất được kỳ vọng có thể diễn ra nhanh hơn nhiều so với cuộc cách mạng công nghệ thông tin trước đây. Mặc dù phán quyết về thời điểm gia tăng năng suất sẽ xảy ra với AI vẫn chưa chắc chắn, nhưng một số nhà kinh tế đã dự đoán rằng có thể thấy năng suất sẽ gia tăng mạnh hơn vào cuối năm 2024.

GS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân