Nam sinh lớp 8 bị đánh hội đồng gây xôn xao mạng xã hội
Ngày 16/5, liên quan đến đoạn clip ghi lại cảnh một nam sinh lớp 8 bị đánh hội đồng lan truyền trên mạng xã hội ngày 12/5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở đã tiếp nhận thông tin và đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan làm rõ vụ việc.

Ngày 12/5, em N.P.P., học sinh lớp 8/9 Trường THCS - THPT Suối Nho bất ngờ bị một nhóm thiếu niên áp sát, kéo xuống đất rồi liên tiếp tấn công bằng tay, chân và cả mũ bảo hiểm. (Ảnh cắt từ clip).
Theo đó, khoảng 17h25 ngày 12/5, em N.P.P., học sinh lớp 8/9 Trường THCS - THPT Suối Nho, đang ngồi trên xe máy ven đường gần khu vực một vườn điều bên ngoài trường thì bất ngờ bị một nhóm thiếu niên áp sát, kéo xuống đất rồi liên tiếp tấn công bằng tay, chân và cả mũ bảo hiểm.
Trong clip dài gần 1 phút, em P. chỉ biết ôm đầu chịu đòn trong khi một số học sinh khác đứng nhìn mà không có hành động can ngăn.
Qua xác minh ban đầu, nhóm tham gia hành hung gồm N.H.P. (học sinh lớp 6), T.V.N.B. (học sinh lớp 8 cùng trường với nạn nhân), cùng hai em khác là N.H.L. và N.H.A. hiện đã nghỉ học.
Lãnh đạo nhà trường cho biết, đã làm việc khẩn cấp với các học sinh liên quan cùng phụ huynh. Phía trường cũng đã cử cán bộ đến thăm hỏi, động viên em P., hiện sức khỏe và tinh thần của em đã ổn định và tiếp tục tham gia kỳ thi học kỳ như bình thường.
Vụ việc ngay lập tức làm dấy lên làn sóng lo lắng trong cộng đồng phụ huynh.
Chị Lê Thị Huyền (ngụ xã La Ngà, huyện Định Quán), chia sẻ: "Tôi thật sự lo lắng khi xem clip. Con tôi cũng đang học THCS, chỉ cách Trường Suối Nho vài cây số. Trẻ con bây giờ dễ bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội và hành vi bạo lực. Nhà trường dạy, nhưng gia đình cũng cần sát sao. Mỗi khi con đi học về, tôi thường hỏi chuyện để nắm tâm lý, không thể để các em mang bạo lực ra giải quyết mâu thuẫn".

Nhóm tham gia hành hung gồm N.H.P. (học sinh lớp 6), T.V.N.B. (học sinh lớp 8 cùng trường với nạn nhân), cùng 2 em khác là N.H.L. và N.H.A., hiện đã nghỉ học. (Ảnh cắt từ clip)
Anh Phan Văn Tuấn, phụ huynh tại Tp.Biên Hòa, cũng cho biết: "Không nên chỉ đổ lỗi cho nhà trường hay các em đánh bạn, mà cần nhìn rộng hơn. Trẻ em ở lứa tuổi cấp 2 rất dễ bị lôi kéo, bộc phát hành vi theo nhóm. Tôi nghĩ cần xử lý một cách giáo dục chứ không nên trừng phạt nặng nề. Gia đình, nhà trường và xã hội đều phải cùng tham gia để định hướng lại cách hành xử văn minh cho học sinh".
Cần sự vào cuộc của cả xã hội
Dưới góc độ nhà giáo, cô Trần Ngọc Ánh Lan, giáo viên Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tp.Biên Hoà), chia sẻ: "Hành vi đánh hội đồng là biểu hiện của bạo lực học đường đáng báo động, nhưng cũng cần nhìn nhận đây không phải là hiện tượng đơn lẻ.
Ở lứa tuổi 12 - 14, các em đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, rất dễ bị tác động bởi bạn bè, tâm lý đám đông và môi trường xung quanh. Nhà trường có trách nhiệm định hướng, nhưng giáo dục từ gia đình và ảnh hưởng xã hội cũng đóng vai trò then chốt".
Công an tỉnh Đồng Nai thông tin, trong những tháng đầu năm 2025, đã có nhiều vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, ma túy và đặc biệt là bạo lực học đường được phát hiện, xử lý theo pháp luật. Không chỉ dừng lại ở các hành vi xô xát thể chất, bạo lực học đường còn tiềm ẩn dưới dạng bắt nạt, kỳ thị, xúc phạm bạn bè, đặc biệt qua các nền tảng mạng xã hội.
Những tác động này tuy âm thầm nhưng lại dai dẳng và nguy hiểm, khiến học sinh rơi vào khủng hoảng tâm lý, sợ hãi, thậm chí trầm cảm, bỏ học hoặc dẫn đến các hành vi cực đoan. Đáng lo ngại hơn, nhiều vụ việc diễn ra ngay trong khuôn viên trường học nhưng lại không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Công an phường Long Bình, Tp.Biên Hòa phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Công an tỉnh Đồng Nai và Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ và Trường THCS Long Bình. (Ảnh: CAĐN).
Để ngăn chặn bạo lực học đường, cần hành động đồng bộ từ nhiều phía. Trước hết, học sinh phải được trang bị kỹ năng ứng xử văn minh, biết tôn trọng và cảm thông với người khác. Nhà trường cần xây dựng các kênh tiếp nhận phản ánh hiệu quả, xử lý nghiêm minh mọi hành vi bạo lực và khuyến khích học sinh dũng cảm lên tiếng khi chứng kiến bạn bè bị bắt nạt.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, giáo dục về quyền trẻ em và pháp luật cần được đẩy mạnh, giúp các em nhận thức rõ giới hạn hành vi, biết cách tự bảo vệ mình và không dung túng cho cái xấu. Phòng ngừa bạo lực học đường không chỉ là nhiệm vụ của thầy cô, cha mẹ mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Bởi, trường học phải là nơi an toàn để nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn và ước mơ của thế hệ tương lai chứ không thể là nơi các em phải đối mặt với nỗi sợ hãi mỗi ngày.
Đoàn Vũ