Nằm võng có thể hỏng cột sống

Admin

TP HCMNằm võng thường xuyên có thể tác động đến đường cong sinh lý của cột sống gây gù vẹo, thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống.

BS.CKI Lê Anh Khánh, chuyên khoa Ngoại cột sống, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng không phải ai nằm võng cũng mắc bệnh cột sống, nhưng lạm dụng thời gian dài dễ khiến cột sống hư hại.

Theo bác sĩ, khi nằm võng, cơ thể, hệ xương cơ như được thư giãn, mang lại cảm giác thoải mái. Chuyển động đung đưa nhẹ nhàng của võng cũng tác động đến sóng não, giúp thư giãn trí óc, dễ đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên, đường cong sinh lý bình thường của cột sống cổ và lưng hơi ưỡn ra trước. Khi nằm võng, cột sống buộc phải thay đổi theo chiều ngược lại, gù cong. Tư thế này làm tăng áp lực lên đĩa đệm đến 40%, gây lệch trục cột sống, căng cơ và dây chằng ở lưng...

Đồng quan điểm, BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng khoa Ngoại cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nhiều trường hợp người lớn tuổi bị gù, vẹo, thoát vị đĩa đệm cột sống có chung thói quen nằm võng nhiều năm, tăng nguy cơ tổn thương cột sống. "Giống như ngồi lâu một chỗ, nằm võng thường xuyên là tư thế sai, tác động lớn đến cột sống, làm khởi phát hoặc tăng nặng nhiều bệnh lý cột sống nguy hiểm", bác sĩ Xuân Anh giải thích.

Như ông Thanh, 65 tuổi, ngụ Bến Tre, đau lưng và tê chân nhiều, bác sĩ chẩn đoán thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, buộc phải phẫu thuật để giải ép thần kinh. Ông Thanh cho hay có thói quen ngủ võng nhiều năm, ngủ xuyên đêm.

Tương tự, bà Tú, 52 tuổi, bị cong vẹo cột sống và thoát vị đĩa đệm, gây đau nhiều, đi lại khó khăn. Bà hay nằm võng, thường xuyên ngủ quên. "Các bệnh lý mà ông Thanh, bà Tú mắc phải một phần do lão hóa, nhưng nằm võng nhiều năm là nguyên nhân lớn thúc đẩy bệnh phát triển", bác sĩ Khánh nói.

Phim chụp cho thấy tình trạng vẹo cột sống của bà Tú (trái) và thoát vị đĩa đệm của ông Thanh (phải). Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7

Phim chụp cho thấy tình trạng vẹo cột sống của bà Tú (trái) và thoát vị đĩa đệm của ông Thanh (phải). Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7

Theo bác sĩ Khánh, ở giai đoạn đầu, các vấn đề cột sống thường chỉ gây đau mỏi lưng nhưng khi bệnh tiến triển, có thể chèn ép thần kinh, khiến yếu tay chân, đi lại khó khăn. Nằm võng thúc đẩy bệnh nhanh chóng chuyển nặng như ông Thanh và bà Tú. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có nguy cơ tàn tật cao. Xương khớp là một thể thống nhất, cột sống xuất hiện bất thường sẽ ảnh hưởng đến các khớp khác.

Ông Thanh, bà Tú được phẫu thuật loại bỏ đĩa đệm thoát vị và bắt vít định vị lại cột sống. Các bác sĩ sử dụng hệ thống máy chụp X-quang liên tục trong lúc mổ C-Arm, hệ thống máy khoan cắt siêu âm... giúp đảm bảo các thao tác trong ca mổ được chính xác, an toàn, tránh làm tổn thương các mô khác. Người bệnh ít đau, ít mất máu, có thể tự đi lại nhẹ nhàng chỉ vài ngày sau phẫu thuật.

Bác sĩ Khánh (thứ hai từ phải sang) phẫu thuật cột sống cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Khánh (thứ hai từ phải sang) phẫu thuật cột sống cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Khánh khuyến cáo để phòng ngừa các bệnh lý về cột sống, người có thói quen nằm võng chỉ nên nằm khoảng 30-45 phút mỗi lần. Tránh nằm võng có độ chùng lớn khiến cột sống co gập nhiều. Nếu nằm trong thời gian dài, nên nằm trên giường, chọn nệm không quá cứng hoặc quá mềm, nâng đỡ cột sống và toàn bộ khung xương tốt nhất. Mỗi ngày mọi người nên duy trì thói quen tập thể dục để tăng cường sức mạnh và sự dẻo dai cho xương khớp. Đi khám bác sĩ nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như đau mỏi lưng, tê tay chân...

Các bệnh lý về cột sống được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời có thể được kiểm soát tốt bằng các phương pháp điều trị bảo tồn như dùng thuốc, tập phục hồi chức năng. Khi bệnh tiến triển nặng, cần can thiệp phẫu thuật để giải phóng người bệnh khỏi đau đớn và khôi phục khả năng vận động.

Phi Hồng

* Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp