Mức phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư cao nhất 5.200 đồng/km

Admin

Có 5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư, với mức thu thấp nhất 900 đồng/km và cao nhất là 5.200 đồng/km

Mức phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư cao nhất 5.200 đồng/km- Ảnh 1.

Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 do nhà nước đầu tư

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10-10-2024.

Theo Nghị định số 130/2024/NĐ-CP, 5 nhóm xe phải chịu phí sử dụng cao tốc, chia làm hai mức. Trong đó mức 1 áp dụng với cao tốc đã hoàn thành, đạt tiêu chuẩn; mức 2 áp dụng với cao tốc chưa đạt chuẩn như chưa có trạm dừng nghỉ, đường gom, làn dừng khẩn cấp.

Mức phí cụ thể như sau (đơn vị đồng/km):

Mức phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư cao nhất 5.200 đồng/km- Ảnh 2.

5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư

Dù Nghị định Nghị định số 130/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10-10, nhưng hiện Bộ Giao thông Vận tải chưa thông báo ngày bắt đầu thu phí các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư.

Cục Đường bộ Việt Nam ước tính số phí thu các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư có thể đạt 3.210 tỉ đồng mỗi năm, nộp ngân sách 2.850 tỉ đồng. Tới đây các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư đều được lắp đặt hệ thống giao thông thông minh (ITS), trong đó có thu phí tự động không dừng.

Hiện 12 dự án cao tốc do nhà nước đầu tư đã đưa vào khai thác, có thể thu phí gồm: Lào Cai - Kim Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, TP HCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và Mỹ Thuận - Cần Thơ.