Một quốc gia châu Á trở thành "điểm nóng" của chiêu trò đóng giả thanh tra, phẩm thán... nhằm lừa đảo trực tuyến

Admin

Theo Báo cáo Tội phạm Mạng của quốc gia này, khoảng 668 triệu USD (tương đương gần 17.000 tỷ đồng) đã bị đánh cắp do gian lận từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2023.

Vào tháng 8, ông S.P. Oswal, 82 tuổi ở Ấn Độ đã bị lừa đảo mất khoảng 70 triệu rupee (tương đương 21 tỷ đồng). Ông Oswal hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc của Vardhman Group, một công ty sản xuất hàng dệt may.

Sau khi nhận được một cuộc gọi video thông báo rằng ông có liên quan đến một vụ rửa tiền, ông đã bị thuyết phục và chuyển số tiền lớn vào nhiều tài khoản ngân hàng. Những kẻ lừa đảo đã sử dụng một phương thức gọi là "lừa đảo kỹ thuật số".

Chúng sử tài liệu giả và điều chỉnh giọng nói thành giọng của Chánh án Ấn Độ để thuyết phục ông Oswal rằng cuộc điều tra là thật và ông phải gửi tiền.

Ấn Độ gần đây đã phải đối mặt với nhiều vụ lừa đảo tương tự, nhắm vào những công dân giàu có, có học thức và thường là người lớn tuổi.

Đầu tháng này, một vụ lừa đảo khác đã xảy ra ở Indore, thuộc bang Madhya Pradesh ở miền trung Ấn Độ. Những kẻ lừa đảo đã lừa một nhân viên chính phủ mất khoảng 90.000 USD (khoảng 2,28 tỷ USD) bằng những chiêu thức tương tự.

Những kẻ lừa đảo đã giả danh thành thanh tra cảnh sát, cáo buộc nạn nhân gửi quảng cáo và tin nhắn văn bản bất hợp pháp, đồng thời đe dọa sẽ bắt giữ vì tội rửa tiền và buôn người. Kẻ lừa đảo đã tiến hành thẩm vấn qua cuộc gọi video, khiến nạn nhân hoảng sợ và chuyển tiền vào nhiều tài khoản khác nhau do những kẻ lừa đảo cung cấp.

Ông Prashant Mali, chuyên gia về an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo cho biết, "Lừa đảo kỹ thuật số" là hành vi gian lận, trong đó những kẻ lừa đảo giả danh các quan chức thực thi pháp luật và đe dọa lừa tiền từ người dùng.

Chúng thực hiện các cuộc gọi thoại và video cho nạn nhân, thậm chí tìm cách để họ không thể gọi điện hay báo cho gia đình và bạn bè.Những người giàu có lớn tuổi, không rành về công nghệ, là những người dễ trở thành nạn nhân nhất.

Những vụ lừa đảo tương tự cũng đang xảy ra ở các nơi khác trên thế giới, nhưng Ấn Độ đang chứng kiến sự gia tăng đáng báo động về tình trạng này. Theo Cổng thông tin Báo cáo Tội phạm Mạng Quốc gia Ấn độ, khoảng 668 triệu USD (tương đương gần 17.000 tỷ đồng) đã bị đánh cắp do gian lận từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2023.

Ngoài ra, từ tháng 1/2022 đến tháng 5/2023, hơn 2,1 triệu khiếu nại đã được ghi nhận. Theo Trung tâm Điều phối Tội phạm Mạng Ấn Độ, trung bình có khoảng 7.000 khiếu nại về tội phạm mạng được ghi nhận mỗi ngày vào tháng 5, cao hơn 113,7% so với tỷ lệ hàng ngày từ năm 2021 đến năm 2023.

Các chuyên gia nhận định các vụ lừa đảo bùng nổ là do số lượng người sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số gia tăng nhanh chóng, đặc biệt khi các hình thức bán lẻ, dịch vụ trực tuyến trở nên phổ biến kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng mặc dù người dân Ấn Độ có hiểu biết về kỹ thuật số, nhưng thiếu nhận thức về các vụ lừa đảo khi những kẻ lừa đảo phát minh ra những phương pháp lừa đảo ngày càng tinh vi và sáng tạo hơn.

Với tần suất đáng báo động của các vụ lừa đảo, Trung tâm Điều phối Tội phạm Mạng Ấn Độ đã ban hành một khuyến cáo công khai nhấn mạnh rằng các cơ quan thực thi pháp luật như Cục Điều tra Trung ương (CBI), cảnh sát, hải quan, Cục Thực thi (ED) hoặc thẩm phán không thực hiện, thông báo lệnh bắt giữ qua cuộc gọi video.

Khuyến cáo nhấn mạnh: "Đừng hoảng sợ, hãy luôn cảnh giác. CBI/Cảnh sát/Hải quan/ED/Thẩm phán KHÔNG ra lệnh bắt giữ bạn qua cuộc gọi video". Không nhiều người biết rằng không có quy định pháp lý nào cho phép các cơ quan thực thi pháp luật thực hiện bắt giữ qua cuộc gọi video.

Mặc dù các luật hiện hànnh đã quy định hình phạt đối với tội phạm mạng tuy nhiên theo nhiều người chia sẻ, việc thực thi chậm trễ đã giúp những kẻ lừa đảo dễ dàng thoát tội.