'Một nửa bệnh nhân đái tháo đường không biết bệnh'

Admin

Cả nước có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, song một nửa số đó không biết mắc bệnh, dẫn đến không được điều trị kịp thời, theo các chuyên gia y tế.

PGS.TS Đỗ Trung Quân, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Hà Nội, cho biết như trên tại hội nghị Nội tiết – Đái tháo đường và Hội chứng chuyển hóa Hà Nội mở rộng lần thứ X, ngày 16/11 tại Hà Nội, nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường năm 2024. Đây là dịp các y bác sĩ cập nhật kiến thức mới về chẩn đoán, điều trị và phòng chống bệnh lý về nội tiết, rối loạn chuyển hóa.

Đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, đang tăng nhanh chóng và trở thành vấn đề sức khỏe cấp bách. Theo nghiên cứu mới nhất của tạp chí Lancet, số người mắc tiểu đường trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi, từ khoảng 7% lên 14% trong 30 năm qua (1990-2022), lên hơn 800 triệu người. Mức tăng lớn nhất được ghi nhận ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, PGS.TS Quân cho biết, khoảng 7 triệu người mắc căn bệnh này, trong đó có hơn 55% gặp biến chứng, gồm 34% biến chứng về tim mạch, 39% mắt và thần kinh, 24% thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng làm tăng chi phí y tế, giảm chất lượng cuộc sống.

Thống kê từ năm 2000 tới nay cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người 20-79 tuổi tăng hơn gấp ba lần. Trong 15 năm qua, chi phí về y tế cho bệnh đái tháo đường tăng gấp ba lần. Nguyên nhân gây bệnh là sự tăng lên nhanh chóng của việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, lối sống ít vận động, tỷ lệ người béo phì ngày càng tăng.

Đặc biệt, một nửa số bệnh nhân chưa biết mình mắc bệnh, do không đi khám, chưa được chẩn đoán chính thức, khiến họ không được điều trị kịp thời. "Hệ quả là các biến chứng nghiêm trọng của bệnh như bệnh tim mạch, suy thận, và tổn thương thần kinh tiếp tục âm thầm gây hại cho sức khỏe của hàng triệu người dân", PGS Quân nói.

PGS.TS Đỗ Trung Quân, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Hà Nội. chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Lê Nga

PGS.TS Đỗ Trung Quân, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Hà Nội. chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Lê Nga

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, cũng cho biết kết quả điều tra về đái tháo đường của người dân từ 18 đến 69 tuổi tại Hà Nội cho thấy tỷ lệ tiền đái tháo đường 16%, nếu không điều trị sẽ thành tiểu đường type 2. Vì vậy, việc phát hiện sớm, kiểm soát đường huyết và huyết áp tốt rất quan trọng trong việc điều trị và giảm biến chứng bệnh.

Hiện có nhiều quảng cáo thổi phồng là có thể chữa khỏi đái tháo đường trong một thời gian ngắn hoặc chỉ trong một liệu trình. Nhiều bệnh nhân bỏ thuốc điều trị, bỏ khám theo dõi đường huyết định kỳ. Trong khi chưa có bất kỳ hiệp hội đái tháo đường cũng như các nhà nghiên cứu nào khẳng định có thể chữa khỏi bệnh này.

Đái tháo đường là bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng, thể lực, loại trừ các yếu tố nguy cơ từ sớm. Xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh và tình trạng tiền đái tháo đường nếu có.

Lê Nga