Mối nguy khi ‘hồi sinh’ người thân đã mất nhờ AI

Admin

Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo khiến nhiều người ở xứ tỷ dân cố gắng tạo ra phiên bản AI của người thân đã khuất bằng cách sử dụng hình ảnh, đoạn ghi âm và tin nhắn cũ từ họ.

AI hoi sinh nguoi chet anh 1

Năm 2020, Yu Jialin (hiện 29 tuổi), kỹ sư phần mềm ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, tình cờ đọc được bài luận về công nghệ nhép giọng. Cơ chế của nó tương đối đơn giản: sử dụng chương trình máy tính để khớp chuyển động của môi với bản ghi âm giọng nói.

Ông nội của Yu, người qua đời khi anh 17 tuổi, lập tức xuất hiện trong tâm trí.

“Tôi có thể gặp lại ông bằng công nghệ này không?”, nam kỹ sư tự hỏi.

Hành trình “hồi sinh” ông nội của Yu là một trong số câu chuyện gây chú ý về những người sử dụng AI để tái tạo hình ảnh của người thân đã khuất ở Trung Quốc, theo Insider.

Kết hợp nhiều loại công nghệ AI mới nổi, người dân ở quốc gia này tạo ra các chatbot (chương trình tương tác với con người), được gọi cụ thể hơn là “griefbot” (kết hợp giữa “grief” - tiếc thương và “bot” - ứng dụng phần mềm tự động thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại qua mạng) với tính cách và ký ức của người đã khuất.

Đối với Yu, chương trình cho anh cơ hội để nói lời từ biệt với người đàn ông từng nuôi nấng mình.

Yu vẫn còn ân hận về 2 lần anh cư xử hỗn với ông nội trong quá khứ. Hơn nữa, nam kỹ sư chạnh lòng khi gia đình đang dần lãng quên ông.

Ngày càng phát triển

Thực tế, “griefbot” được thử nghiệm trong nhiều năm, phần lớn là các chương trình được hỗ trợ bởi AI học cách bắt chước con người thông qua kỷ vật, hình ảnh và bản ghi âm của họ.

Nhưng sự tiến bộ nhanh chóng của AI tổng hợp trong năm 2022 thúc đẩy và nâng khả năng tiếp cận lên tầm cao mới.

Các chương trình cũ hơn yêu cầu bộ dữ liệu lớn. Giờ đây, những người không chuyên hoặc kỹ sư đơn lẻ như Yu có thể cung cấp thông tin về quá khứ của một người và tái tạo gần như chính xác cách họ nhìn, nói, suy nghĩ.

“Với công nghệ ngày nay, chúng ta không cần quá nhiều mẫu để AI học được phong cách của một người”, Haibing Lu, giáo sư phân tích và thông tin tại Đại học Santa Clara (Mỹ), nói.

Lu, người có nghiên cứu tập trung vào AI, cho biết các hệ thống như ChatGPT (chương trình bắt chước gần giống lời nói của con người) học được cách mọi người nói hoặc viết một cách tự nhiên.

“Chỉ cần điều chỉnh hệ thống một chút để có được sự tương đồng 99% với ai đó. Sự khác biệt rõ rệt sẽ là tối thiểu”, Lu cho biết.

Để có thể mô tả cho phiên bản AI biết ông nội là người như thế nào, Yu mượn những bức thư cũ ông và bà viết cho nhau. Anh cũng tìm lại hình ảnh và video được quay cách đây hơn một thập kỷ, thêm tin nhắn văn bản mà ông từng gửi cho mình.

Tuy nhiên, ngay cả sau nhiều tuần thử nghiệm, công nghệ này vẫn chưa thể tạo ra “ông nội” hoàn hảo. Ví dụ, khi Yu hỏi “Chào ông. Ông đoán xem cháu là ai?”, chương trình mất 10 phút để đưa ra câu trả lời chung chung “Cháu là ai hoàn toàn không quan trọng. Cuộc sống là phép màu đẹp đẽ”.

Nhưng khi Yu cung cấp nhiều thông tin hơn về ông nội của mình, AI bắt đầu thể hiện chính xác hơn về thói quen, sở thích của người đàn ông, như chương trình ông từng yêu thích.

Đó là lúc Yu cảm thấy có tiến triển. Cuối cùng, chương trình cũng đủ phức tạp để anh khoe với bà. Đứng trước hình ảnh của người chồng quá cố, bà lặng đi, cảm ơn cháu và rời đi.

Về phần mình, Yu từ chối chia sẻ cuộc trò chuyện thân mật với ông nội AI.

“Nhưng tôi nghĩ cuối cùng thì ông cũng tha thứ cho tôi”, anh nói.

AI hoi sinh nguoi chet anh 4

Các trợ lý kỹ thuật số được hỗ trợ bởi AI rất phổ biến ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Ảnh: VCG.

Sue Morris, Giám đốc dịch vụ mai táng tại Viện Ung thư Dana-Farber ở Boston (Mỹ), giảng viên tâm lý học tại Trường Y Harvard, nói rằng việc con người thay đổi cách thương tiếc người thân khi công nghệ phát triển là điều tự nhiên.

Vào những năm 1980, mọi người thường viết ra câu chuyện đáng nhớ về người thân để tưởng nhớ họ. Hiện nay, việc lưu giữ hình ảnh và video của người đã khuất trở nên phổ biến hơn rất nhiều trong thời đại kỹ thuật số.

Tuy nhiên, Morris cảnh báo các chương trình AI tước đi quyền kiểm soát đáng kể từ người dùng. Một yếu tố kích hoạt bất ngờ, chẳng hạn như tin nhắn được hẹn giờ không chính xác từ chatbot, thường có thể khiến ai đó rất đau buồn.

“Có thể 98% thời gian, chương trình sẽ nói điều phù hợp. Nhưng nếu nó không đúng với một tỷ lệ nhỏ thì sao? Điều đó có thể khiến ai đó rơi vào vòng xoáy tuyệt vọng nhiều hơn không?”, bà hỏi.

Trong khi đó, Mary Frances O'Connor, Giám đốc Phòng thí nghiệm Tiếc thương, Mất mát và Căng thẳng Xã hội tại Đại học Arizona (Mỹ), nói rằng lịch sử cho thấy các chuẩn mực xã hội liên tục thay đổi khi nhắc đến người chết.

Khi nhiếp ảnh trở nên phổ biến đối với công chúng vào thế kỷ 19, mọi người thường chụp hình với linh cữu của người thân và treo trong phòng khách.

“Ngày nay, chúng ta có thể nghĩ hành động này là bệnh hoạn, nhưng nó rất phổ biến vào thời điểm đó”, O'Connor nói.

AI hoi sinh nguoi chet anh 5

Blogger Wu Wuliu sử dụng AI để có cơ hội trò chuyện với người bà quá cố một lần nữa. Ảnh: Wu Wuliu.

Chắc chắn gây tranh cãi

Khi AI tổng hợp thu hút sự chú ý ở Trung Quốc, những câu chuyện về “griefbot” cũng xuất hiện.

Wu Wuliu (24 tuổi), blogger ở Thượng Hải, gây sốt trên mạng xã hội vào tháng 3 khi nói rằng anh tạo ra chatbot để bắt chước người bà đã khuất.

Tuy nhiên, chương trình chỉ có thể tạo ra những phản hồi hạn chế.

“Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy rất vui khi được trông thấy bà và nói chuyện với bà nhiều hơn”, anh nói.

Wu cho biết anh sử dụng ChatGPT dù quyền truy cập vào nền tảng này bị hạn chế ở Trung Quốc kể từ ngày 24/2.

Vào dịp Tết Thanh Minh năm nay, một nghĩa trang ở Trung Quốc sử dụng phần mềm GPT và AI nhân bản giọng nói để “hồi sinh” những người được chôn cất tại đây, YiCai đưa tin. Hàng nghìn người sử dụng dịch vụ này với chi phí khoảng 7.300 USD để gặp lại người thân.

Tìm kiếm kết nối con người từ chương trình ảo trở nên phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.

Xiaoice, trợ lý chatbot của Trung Quốc ra đời năm 2018 có ngoại hình của cô gái tuổi teen, có hơn 660 triệu người dùng. Cô có thể hành động như tri kỷ hoặc bạn bè và có thể nhận quà từ người hâm mộ.

Năm 2021, người đàn ông Canada tên Joshua Barbeau sử dụng Project December, chương trình cũ hơn được xây dựng với tiền thân của phần mềm GPT hiện tại, để tái tạo hình ảnh bạn gái qua đời 8 năm trước đó vì căn bệnh gan hiếm gặp. Barbeau cho biết chatbot này giúp anh chữa lành vết thương, theo The San Francisco Chronicle.

Bộ phim tài liệu Hàn Quốc Meeting You, kể về quá trình đoàn tụ của người mẹ trẻ với con gái 7 tuổi đã mất, nhờ công nghệ thực tế ảo (VR) cũng gây chú ý.

Trong khi người xem lo lắng người mẹ bị thao túng tâm lý, cô rất biết ơn về trải nghiệm giống như “giấc mơ đẹp” này.

AI hoi sinh nguoi chet anh 6

Bộ phim tài liệu Meeting You từng gây tranh cãi về vấn đề đạo đức.

Lu, giáo sư phân tích thông tin, cho biết “griefbot” và các sản phẩm phụ của nó có thể đặt ra những tình huống khó xử nghiêm trọng về mặt đạo đức.

Danh tính của người đã khuất có thể là lựa chọn dễ dàng cho những kẻ lừa đảo. Chúng có thể lợi dụng thông tin được cung cấp cho AI và giả mạo cuộc trò chuyện với thân nhân của họ.

Tiếp đó, sự đồng ý từ người chết cũng có thể gây tranh cãi.

“Trong tương lai mà ai cũng biết về công nghệ này, có thể mọi người sẽ ký văn bản cho phép con cháu sử dụng di sản của mình hoặc cấm điều đó”, Lu nói.

HereAfter.AI, công ty có trụ sở tại Mỹ, cung cấp trải nghiệm để mọi người tải lên mạng thông tin về tính cách của chính họ. AI tìm hiểu về mỗi người thông qua hình ảnh, nhật ký âm thanh, bảng khảo sát và tạo hình đại diện kỹ thuật số có thể trò chuyện với người thân, bạn bè của họ sau khi họ chết.

Người sáng lập James Vlahos từng dành nhiều tháng để ghi lại những ký ức và hồi tưởng về cuộc sống của người cha bị bệnh nan y của mình.

Nhưng Lu cảnh báo con, cháu của người đã khuất có thể gặp rắc rối khi sử dụng thông tin cá nhân của họ.

“Một người không còn nữa không có nghĩa là những người khác có quyền tiết lộ quyền riêng tư cá nhân của họ, ngay cả với người thân trong gia đình”, Lu nói.

Về phần Yu, kỹ sư phần mềm, ông nội phiên bản AI của anh không còn nữa. Yu quyết định xóa chương trình vì sợ bị phụ thuộc quá nhiều vào trí tuệ nhân tạo để được hỗ trợ về mặt tinh thần.

“Những cảm xúc này có thể lấn át tôi quá nhiều để làm việc và sống hết mình”, anh chia sẻ.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.