Meta cấp thêm quyền kiểm soát nội dung cho người dùng châu Âu

Admin

Ngày 22/8, công ty Meta thông báo những người dùng Facebook và Instagram tại châu Âu sẽ có thêm quyền kiểm soát về cách thức xem nội dung trên các trang mạng xã hội này.

Meta cấp thêm quyền kiểm soát nội dung cho người dùng châu Âu - Ảnh 1.

Biểu tượng Meta trên màn hình điện thoại. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một bài đăng trên mạng, ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, thông báo một số điều chỉnh, trong đó cho phép người dùng tại châu Âu có thể chọn xem các loại nội dung khác nhau mà không dựa trên thuật toán của Meta. Chẳng hạn, người dùng sẽ có thể lựa chọn xem các nội dung trên Story và Reel chỉ từ những người mà họ theo dõi và nội dung được sắp xếp theo thứ tự thời gian từ mới nhất đến cũ nhất. Trước đó, Meta cho phép người dùng Facebook và Instagram có quyền kiểm soát nội dung mình xem trên bảng Feed.

Hiện các nền tảng số đang thực hiện biện pháp cần thiết để đáp ứng quy định chặt chẽ hơn trong Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của châu Âu sắp có hiệu lực.

Đầu tháng này, mạng chia sẻ video ngắn TikTok cũng có động thái tương tự. TikTok thông báo nền tảng này sẽ cho phép người dùng ở châu Âu "tắt tính năng cá nhân hóa", đề cập đến nguồn cấp dữ liệu cho mục "Dành cho bạn" (For You) - chuyên đề xuất các nội dung dựa trên sở thích cá nhân của người dùng.

Trong thông báo mới, ông Clegg cũng cho biết Meta cũng thực hiện một biện pháp khác nhằm tuân thủ DSA bao gồm mở rộng thư viện để “hiển thị và lưu trữ” tất cả những quảng cáo nhắm vào người dân tại các nước Liên minh châu Âu (EU).  Bên cạnh đó, Meta cũng sẽ cung cấp thông tin nhiều hơn về cách hệ thống trí tuệ nhân tạo của công ty xếp hạng nội dung trên các trang Facebook và Instagram. Theo ông Clegg, trên 1.000 người tại Meta đang làm việc để đảm bảo việc tuân thủ DSA.

Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số là một trong những bộ luật tham vọng nhất của EU về kiểm soát nội dung trực tuyến kể từ khi mạng xã hội ra đời, thông qua việc áp đặt những nghĩa vụ quan trọng. Tháng 4 vừa qua, EU công bố danh sách 19 nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm lớn phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt từ ngày 25/8 tới. Các nền tảng có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu nếu không tuân thủ luật hoặc thậm chí bị cấm hoàn toàn ở châu Âu nếu vi phạm nhiều lần.