Cảm lạnh là bệnh viêm đường hô hấp trên, tác động lên mũi, họng. Bệnh thường do virus gây ra và có khả năng lây lan nhanh chóng trong môi trường chật hẹp. Triệu chứng thường gặp gồm ho, hắt hơi, chảy nước mũi, đau tai, cổ họng. Một số cách dưới đây hỗ trợ kiểm soát triệu chứng, nhanh khỏi cảm lạnh hơn.
Vitamin C từ trái cây, rau củ hoặc viên bổ sung vitamin C có thể làm giảm thời gian cảm lạnh, giúp các triệu chứng bớt nghiêm trọng hơn. Với viên bổ sung vitamin C, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) lưu ý người bệnh không uống quá 2.000 mg mỗi ngày vì có thể gây ra một số tác dụng phụ do quá liều. Để an toàn, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ về loại vitamin C nên dùng và liều lượng phù hợp.
Nước ép củ cải đường có hàm lượng nitrat cao, làm tăng sản xuất oxit nitric, bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, trong đó có cảm lạnh. Người bệnh có thể uống nước ép củ cải đường thường xuyên trong thời gian cảm cúm và uống sau khi khỏi cúm góp phần phòng bệnh.
Thiền định giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần, từ đó phòng chống lại cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
Probiotics thường có trong sữa chua, kim chi, súp miso, đậu nành nên men, dưa cải bắp muối chua. Sức khỏe đường ruột là một phần quan trọng tác động đến hệ thống miễn dịch. Hệ tiêu hóa khỏe hỗ trợ miễn dịch khỏe, ngăn ngừa và tái phát cảm lạnh.
Rửa mũi bằng nước muối có thể làm giảm triệu chứng cảm lạnh như nghẹt mũi, chảy nước mũi, hỗ trợ giảm ho. Có nhiều thiết bị rửa mũi như bình neti, xịt mũi bằng nước muối, chai xịt mũi dạng phun sương. Người lớn nên rửa mũi 2-3 lần mỗi ngày, trẻ nhỏ 1-2 lần. Không lạm dụng vì có thể gây nhiễm trùng, tổn thương niêm mạc mũi. Nước muối dùng để rửa mũi nên đảm bảo vệ sinh, an toàn, khuyến khích dùng nước muối sinh lý pha sẵn bán ở nhà thuốc.
Nghỉ ngơi giúp cơ thể có thời gian lành tổn thương, sớm hồi phục sau khi cảm lạnh. Nếu làm việc quá nhiều, ngủ không đủ giấc, cơ thể khó phục hồi hơn, thời gian mắc cảm lạnh có thể dai dẳng hơn. Nghỉ ngơi ở nhà cũng là cách hạn chế lây lan virus cho những người xung quanh.
Mật ong có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn, chứa các hợp chất hỗ trợ chức năng miễn dịch, chống lại cảm lạnh. Mật ong còn làm dịu cơn đau họng. Trẻ dưới một tuổi không nên dùng mật ong vì có thể gây ngộ độc.
Uống nhiều nước trong thời gian cảm lạnh góp phần làm loãng đờm, nhầy trong mũi xoang, họng, giảm ho và nghẹt mũi, làm thông thoáng đường thở. Bạn có thể lựa chọn một số đồ uống như nước lọc, trà thảo mộc, súp gà, nước hầm xương... Trong thời gian này, người bệnh nên tránh uống caffeine và rượu vì dễ mất nước, ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như thời gian phục hồi.
Anh Chi (Theo HealthLine)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |