Trong sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập sáng 15/10 ở Hà Nội, Viettel tuyên bố trở thành doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ 5G tại Việt Nam, sau sáu tháng đấu giá thành công quyền sử dụng khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) với số tiền 7.533 tỷ đồng.
Viettel cho biết đã lắp đặt hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% "thủ phủ" của 63 tỉnh thành, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học. Tốc độ mạng có thể đạt 1 Gbps, gấp 10 lần so với 4G hiện nay và độ trễ gần như bằng 0. Nhà mạng cũng triển khai đồng thời trên hai nền tảng kiến trúc 5G NSA (Non-stand Alone) và 5G SA (Stand Alone).
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Viettel, cho biết Việt Nam từ chỗ đi sau trong việc tiếp cận 2G, 3G, 4G, nay đã có thể song hành với thế giới trong ứng dụng công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nằm trong top 5 nước có thể sản xuất thiết bị 5G.
"Một tương lai mới của di động sẽ bắt đầu từ hôm nay", ông Thắng nói.
Hiện nhà mạng cung cấp 11 gói cước trả trước khởi điểm từ 135 nghìn đồng, và 8 gói cước trả sau từ 200 nghìn đồng cho khách hàng cá nhân. Người đang sở dụng thiết bị hỗ trợ 5G có thể đăng ký dịch vụ mà không cần đổi sim. Ngoài ra, nhà mạng cũng phát triển sẵn các Open API để cung cấp dữ liệu, khả năng cấu hình và tương tác với mạng 5G theo chuẩn GSMA cho cộng đồng phát triển ứng dụng tại Việt Nam và trên thế giới.
"Điều này giúp nhà phát triển ứng dụng dễ dàng sáng tạo trên nền tảng 5G", đại diện nhà mạng nói.
Trong khi đó, khách hàng doanh nghiệp được cung cấp hơn 130 kịch bản sử dụng (use case) là các ứng dụng và giải pháp thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, smart city, giao thông vận tải - logistics, nông nghiệp, y tế, giáo dục, năng lượng. Các giải pháp được "may đo" theo từng nhu cầu riêng, tích hợp công nghệ cloud, AI, IoT trên nền 5G với khả năng kết nối mật độ lớn, cũng được giới thiệu.
"Mạng 2G hướng tới mục tiêu mỗi người dân sở hữu một điện thoại di động, 4G là mỗi người dân sở hữu một điện thoại thông minh, còn 5G sẽ hướng đến mỗi người dân sở hữu một smartphone siêu tốc độ - siêu kết nối", ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom, nói. Mạng 5G được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết những vấn đề lớn của xã hội, xây dựng xã hội số, kỷ nguyên thông minh tại Việt Nam.
Viettel bắt đầu thử nghiệm 5G từ năm 2019 trên nền tảng 4G, gọi là 5G NSA (Non-stand Alone). Giữa năm nay, họ tiếp tục thử nghiệm mạng 5G độc lập (SA). So với 5G NSA, ngoài cung cấp dịch vụ truyền tải dữ liệu tốc độ cao, 5G SA đáp ứng yêu cầu về độ trễ siêu thấp, khoảng 1ms, gấp 20 lần 4G truyền thống, giúp cung cấp các dịch vụ cần sự phản hồi tức thì.
Trong khi đó, cuối tuần trước, MobiFone thông báo "đang tập trung triển khai các công việc, sẵn sàng cho thương mại hóa 5G". Dự kiến, người dùng có thể trải nghiệm dịch vụ 5G từ tháng 11.
Vinaphone cũng cho biết đang thực hiện chương trình sử dụng thử 5G, diễn ra từ 13/10 đến 15/11. Nếu sở hữu điện thoại 5G, khi đi qua các khu vực có sóng, người dùng sẽ nhận được tin nhắn mời trải nghiệm dịch vụ. Họ sẽ được tặng 50 GB data để dùng thử đường truyền tốc độ cao trong 30 ngày.
Công nghệ 5G bắt đầu được triển khai thương mại trên thế giới cách đây 5 năm, phổ biến nhất là tại Trung Quốc, Mỹ... trong khi nhiều nước khác vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Đối với người dùng phổ thông, sự khác biệt lớn nhất của công nghệ 5G là tốc độ tối đa ở điều kiện lý tưởng đạt 10 Gbps. Trong thực tế, một số thử nghiệm với 5G tại Việt Nam cho tốc độ tải xuống có thể đạt 1 Gbps, cao hơn 10 lần mạng 4G ở cùng địa điểm. Ngoài ra, lợi thế của mạng thế hệ mới là độ trễ siêu thấp và khả năng hỗ trợ số lượng lớn thiết bị, thúc đẩy nhiều ứng dụng như xe tự hành, điều khiển từ xa thiết bị phẫu thuật, trải nghiệm thực tế ảo và thực tế tăng cường... Tuy nhiên, do tần số được sử dụng cho 5G ở Việt Nam đều là các tần số lớn, trạm 5G có độ phủ nhỏ hơn, buộc các nhà mạng phải triển khai số lượng trạm nhiều hơn.
Lưu Quý