![]() |
Sau đợt tổng kết năm học, nhiều phụ huynh đăng hình ảnh kết quả học tập của con trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình. |
Bài viết dưới đây là góc nhìn của thầy An Phú, một giáo viên Ngữ văn tại TPHCM, về hiện tượng nhiều phụ huynh khoe thành tích học tập của con lên mạng xã hội dịp cuối năm học.
Mùa hè đến, các trường sắp tổng kết năm học, trao phần thưởng cho học sinh tiêu biểu; đồng thời tổ chức họp phụ huynh để thông báo kết quả học tập.
Sau các buổi tổng kết năm học đó thường là lúc không ít phụ huynh lên mạng “khoe” thành tích học tập của con. Dù đây là tâm lý tự nhiên, nhưng phụ huynh nên cân nhắc bởi hệ lụy từ mạng xã hội thường khó kiểm soát và khó lường.
Phụ huynh có quyền tự hào về con mình
Kết quả học tập không chỉ là phản ánh nỗ lực của riêng học sinh, mà còn thể hiện sự đồng hành của phụ huynh suốt cả năm học, từ việc lo tiền ăn học, đưa đón đến tìm thầy cô, trung tâm học thêm tốt… biết bao sức người, sức của đã dồn cho con.
Vì thế, kết quả học tập cả năm tốt là một điều đáng tự hào đối với học sinh cũng như phụ huynh, và việc khoe con một chút cũng là điều bình thường.
Ai cũng biết nuôi dạy được một người con ngoan ngoãn, học giỏi là việc không đơn giản, đặc biệt ngày nay, mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con, và các con đôi khi là lý tưởng, lẽ sống của cha mẹ.
Họ có thể hy sinh tất cả cho con, kèm theo đó là những kỳ vọng gửi gắm vào con. Khi kết quả học tập của con cao, phụ huynh có thể “ngẩng cao đầu” với bạn bè, đồng nghiệp, mọi người xung quanh.
Sự thành công của con có khi còn vượt ra khỏi niềm vui của gia đình, trở thành niềm tự hào của dòng họ, làng xã. Con người Việt Nam chúng ta vốn có truyền thống hiếu học, nên kết quả học tập của trẻ vốn là thước đo, là quy chuẩn của sự thành công.
Khoe con cho khéo, kẻo lợi bất cập hại
Là một giáo viên, khi trả bài kiểm tra, tôi thường tế nhị giữ bí mật điểm số của học sinh vì hiểu tâm lý một số em bị điểm thấp sẽ ngại ngùng với các bạn; đồng thời tôi cũng muốn tránh tạo ra sự so bì, ghen ghét giữa các học sinh trong lớp.
Mỗi em có năng lực ở từng môn khác nhau, nên môn này điểm thấp, môn kia điểm cao là bình thường.
Trong các cuộc họp phụ huynh, khi gửi kết quả học tập của học sinh, tôi cũng trao tận tay phiếu điểm của mỗi con cho từng phụ huynh, nhằm đảm bảo sự tôn trọng với học sinh và phụ huynh. Ấy vậy mà sau buổi họp, sự tế nhị của thầy cô trở thành vô nghĩa khi phụ huynh “khoe” điểm của con công khai trên mạng xã hội.
Dẫu biết rằng “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”, những phụ huynh khoe bảng điểm, hình ảnh nhận thưởng của con trên mạng phải là người có con điểm cao, thành tích xuất sắc, nhưng việc làm này có thể tạo nên tâm lý “con nhà người ta” đối với các bạn còn lại trong lớp.
Bài chia sẻ đó có thể gây sự so sánh, thậm chí trách mắng của một số phụ huynh khác với con mình, vô tình ảnh hưởng đến tâm lý học sinh có thành tích học tập chưa tốt.
Hành động này thậm chí cũng có thể ảnh hưởng đến chính học sinh được “khoe” bởi vì nhiều em không muốn kết quả học tập của mình bị lôi ra bàn tán, bình luận trên mạng xã hội.
Chúng ta đều biết rằng rất khó kiểm soát được những lời khen, chê của mọi người. Với các em học sinh nhỏ tuổi, tâm lý chưa vững vàng, những bình luận khen ngợi có thể khiến các con có phần kiêu ngạo, chủ quan, trong khi lời chê có thể làm cho con tiêu cực, chán nản.
Phụ huynh đừng nghĩ rằng con mình học giỏi, ngoan ngoãn thì sẽ không bị người khác chê. Miệng lưỡi thế gian muôn vàn lắt léo. Có hàng loạt lý do người ta có thể đưa ra như: Điểm cao do quay bài, do thầy cô thiên vị, do học thêm nhiều, do may mắn kiểm tra trúng tủ…
Nhiều khi việc phụ huynh khen con lại ảnh hưởng đến tình bạn, sự đoàn kết của học sinh trong lớp. Các con đang có tình bạn đẹp, vô tư của tuổi học trò, nhưng hành động của phụ huynh có thể vô tình gây ra sự đố kỵ, tự ái, xa lánh giữa các bạn.
Người lớn hay trẻ con đều ít nhiều có sự vị kỷ trong lòng, khó chấp nhận người khác hơn mình. Sự ganh đua có thể là động lực nhưng cũng có khi gây áp lực cho học sinh. Đừng để trẻ phải dùng mọi cách để hơn bạn vì điều này có thể dẫn đến hệ lụy khôn lường.
Việc khoe điểm đôi khi cũng gây ra áp lực cho con, bởi vì trẻ hiểu mình là hy vọng, là niềm tự hào của cha mẹ. Nếu mình không nỗ lực, không có kết quả tốt sẽ phụ lòng cha mẹ, dẫn đến các con chỉ biết học tập, không được vui chơi, phát triển toàn diện.
Nhiều học sinh đã bật khóc khi nhận bài kiểm tra với điểm số không như kỳ vọng, bởi các em sợ cha mẹ buồn, sợ những lời trách móc, thậm chí mắng chửi của phụ huynh. Nếu cứ áp lực triền miên như vậy, sợ rằng một lúc nào đó các con bị trầm cảm, sợ sệt, xa lánh chính ba mẹ của mình.
Cần động viên con phù hợp
Thay vì khoe con trên mạng xã hội, chúng ta có thể lựa chọn cách động viên, thưởng cho con phù hợp. Một số phụ huynh có thể thưởng một chuyến du lịch, một lần về thăm quê, mua cho con món đồ yêu thích để ghi nhận sự nỗ lực của con trong năm học.
Chúng ta thường nói phải tạo cho học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” - niềm vui ấy không chỉ từ thầy cô, bè bạn mà còn từ chính gia đình.
Phụ huynh nên đồng hành cùng các con. Nếu kết quả học tập của con chưa tốt, phụ huynh cũng nên vui vẻ vì con đã cố gắng hết sức. Mong phụ huynh hiểu và bớt đặt áp lực và kỳ vọng vào con trẻ, làm sao cho con được hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của cha mẹ.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.