Lý do học tiếng Anh cả chục năm vẫn chỉ bập bẹ vài câu đơn giản

Admin

Mười năm học tiếng Anh ở bậc phổ thông, thêm vài năm ở đại học, nhiều người thừa nhận tiếng Anh chỉ ở mức bập bẹ.

pho cap tieng anh anh 1

Dù học tiếng Anh chục năm, Nguyễn Nam vẫn mông lung vì không thể sử dụng tốt ngôn ngữ này. Ảnh minh họa: Adobestock.

Mỗi lần nhắc đến việc học tiếng Anh, Nguyễn Nam (24 tuổi, hiện làm việc tại Đà Nẵng) lại lắc đầu và cảm thấy hơi xấu hổ vì không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ này. Dù học tiếng Anh từ lớp 3 cho đến khi lên đại học, anh vẫn không thể ứng dụng vào đời thường.

Những gì bật ra khỏi miệng của Nam khi gặp người nước ngoài chỉ là những câu giao tiếp cơ bản như chào hỏi, giới thiệu tên tuổi và nghề nghiệp.

“Sống ở thành phố du lịch, gia đình cũng làm nghề dịch vụ nhưng mình rất ngại chạm mặt người nước ngoài vì không nói được tiếng Anh. Do thiếu nền tảng, dần dần, mình cũng ngại học và trau dồi ngoại ngữ, cứ để mãi tới tận bây giờ”, Nam chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Học lai rai cả chục năm vẫn không đọc thông viết thạo

Chia sẻ thêm về việc học tiếng Anh, Nguyễn Nam cho biết anh học 12 năm phổ thông tại một huyện nhỏ ở miền Trung nên chất lượng dạy và học tiếng Anh cũng không được tốt.

Nhớ lại những năm đầu tiếp xúc với ngoại ngữ ở bậc tiểu học, Nam nói rằng anh và bạn bè trong lớp được học kiến thức trong sách giáo khoa, chủ yếu là nhớ từ vựng và đọc lại theo hướng dẫn của giáo viên.

Còn về phần nghe, cả lớp nghe chung một chiếc đài cũ do trường tự sắm. Những năm 2000, đồ công nghệ chưa phát triển nên chiếc đài phát ra âm thanh khá tệ, học sinh không thể nghe rõ các đoạn hội thoại do giáo viên mở.

Khi lên THCS và THPT, Nam được học kỹ hơn về phần ngữ pháp, nhưng bản thân anh cảm thấy khá mơ hồ với những kiến thức này vì giáo viên chỉ dạy và yêu cầu học sinh thuộc, không giải thích vì sao lại có cấu trúc câu như vậy. Suốt 7 năm học cấp 2, cấp 3, Nam gần như chỉ học ngữ pháp, không được học nghe, nói vì nguồn lực của nhà trường cũng có hạn.

“Lên cấp 3, mình cũng được học nghe bằng loa gắn trong phòng học, ‘cải tiến’ hơn so với chiếc đài cũ hồi cấp 1. Nhưng nói thật, mình thấy chất lượng của loa đài đều tệ như nhau. Do không được luyện nghe nói, mình cũng chán dần với môn Tiếng Anh”, Nam nói.

pho cap tieng anh anh 2

Tiếng Anh kém trở thành rào cản với nhiều người trẻ. Ảnh: Pexels.

Không đến mức mất căn bản tiếng Anh như Nguyễn Nam, nhưng Hồ Nhật (26 tuổi, hiện làm việc tại Hà Nội) cũng thấy chán nản vì học tiếng Anh suốt chục năm phổ thông và 4 năm đại học nhưng vẫn không thể đọc thông viết thạo.

Nhật kể với Tri Thức - Znews rằng hồi cấp 3, lớp anh xác định theo khối A nên cả lớp chỉ tập trung học Toán, Lý, Hóa. Các môn khác như tiếng Anh sẽ không đầu tư học nên gần như mọi người chỉ học cho đủ điểm học bạ.

Đến khi lên đại học, tình hình học tiếng Anh của Nhật tiếp tục “trượt dài” vì chương trình học chồng chéo. Các môn chuyên ngành khiến anh không còn tâm trí cho việc học tiếng Anh. Kết quả, anh ra trường với bằng tiếng Anh B1, vừa đủ với chuẩn đầu ra của trường, nhưng khả năng nghe, nói, đọc, viết vẫn không ổn.

“Mình làm việc trong lĩnh vực tài chính nên cũng cần đến tiếng Anh. Do tiếng Anh không tốt, mình phải đăng ký học ở trung tâm để cải thiện 4 kỹ năng. Mất tiền là một chuyện, mất thời gian lại là chuyện lớn hơn nên nhiều khi mình cũng ước giá mà ngày xưa đầu tư học tiếng Anh tử tế hơn”, Nhật nói.

Lý do học tiếng Anh mãi không giỏi

Trao đổi với Tri Thức - Znews, thầy Đinh Quang Tùng, Giám đốc học thuật tại một trung tâm Anh ngữ ở TP.HCM, nhận định thời gian để một người thành thạo tiếng Anh thực tế rất khó xác định. Nó sẽ phụ thuộc vào nhiều biến số như thời gian bắt đầu học, năng lực tiếng Anh ban đầu, phương pháp và tài liệu học, người hướng dẫn, năng khiếu ngoại ngữ, thậm chí phụ thuộc cả định nghĩa “thành thạo" của người học hoặc đơn vị tuyển dụng/đào tạo.

Trong nhiều năm giảng dạy, thầy Tùng gặp không ít trường hợp học tiếng Anh nhưng đọc không thông, viết không thạo .Thầy giáo chỉ ra 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ nội dung giảng dạy. Theo thầy Tùng, phần lớn nội dung tiếng Anh được dạy trong các trường phổ thông vẫn chú trọng quá nhiều vào cú pháp. Cụ thể, học sinh đa phần chỉ được dạy làm sao để có từ vựng và “lắp” được từ vựng vào câu sao cho đúng cú pháp.

Ngược lại, yếu tố về ngữ nghĩa của câu và nghĩa trong ngữ cảnh rất hiếm khi được đề cập. Điều này dẫn đến việc học sinh chỉ biết ráp câu theo công thức chứ không hình dung ra được những nội dung mình học sẽ ứng dụng thế nào vào đời sống thực.

“Nhiều nội dung được dạy thậm chí còn khá thừa vì gần như không được sử dụng, kể cả với người bản xứ”, thầy Tùng đánh giá.

pho cap tieng anh anh 3

Thầy Đinh Quang Tùng chỉ ra những nguyên nhân liên quan tình trạng học tiếng Anh nhiều năm nhưng không giỏi. Ảnh: NVCC.

Một yếu tố khác về nội dung là những kỹ năng được giảng dạy. Ở hầu hết trường, kỹ năng được giảng dạy đa phần chỉ xoay quanh viết và đọc (thường là viết câu, nhiều học sinh không biết viết đoạn hay bài). Kỹ năng nghe và nói ít được chú trọng. Điều này càng làm cho học sinh khó thấy được tính thực tế của các kiến thức được học.

Nguyên nhân thứ 2 là mục đích học tập và giảng dạy. Thầy Tùng nhận định các bài học ở nhiều trường vẫn nặng về việc học để thi. Việc này được gọi là hiệu ứng "negative washback" (phản ứng ngược), làm cho việc học tiếng Anh lệch khỏi mục đích ban đầu là cải thiện ngôn ngữ và tiến sang mục đích chuẩn bị cho các bài thi.

“Trong bối cảnh hầu hết bài thi tiếng Anh ở Việt Nam vẫn ở dạng trắc nghiệm hoặc viết câu trên giấy thì rõ ràng, các kỹ năng như nghe và nói sẽ không được chú trọng, đơn giản vì không có trong bài thi”, thầy Tùng nói.

Nguyên nhân thứ 3 là chất lượng giáo viên. Một thực tế là nhiều giáo viên ở các trường phổ thông hiện nay có trình độ chuyên môn tiếng Anh chưa tốt (đa phần ở cấp độ B1-B2, tương đương 5.0-6.0 IELTS).

Điều này cũng hạn chế việc đa dạng nội dung bài giảng trên lớp vì sự hiểu biết về ngôn ngữ của giáo viên chưa đủ sâu. Trong một số trường hợp, giáo viên có thể hạn chế việc hướng dẫn học sinh thực hành nói thành đoạn hội thoại hoặc viết thành đoạn, bài văn, đơn giản vì giáo viên chưa đủ khả năng để đánh giá những nội dung này.

Nguyên nhân thứ tư là động lực tự thân của người học. Theo thầy Tùng, việc thiếu động lực học xuất phát từ việc người học không thấy được những lợi ích cụ thể của việc học tiếng Anh.

Ví dụ, với học sinh, lý do thường thấy là do các em dự định theo đuổi các ngành trong khối tự nhiên nên nghĩ rằng tiếng Anh thuộc nhóm môn xã hội và không cần thiết.

Gần đây, Bộ Chính trị đề nghị các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup) cũng đề xuất Chính phủ phổ cập tiếng Anh không chỉ ở trường công lập mà còn cho toàn dân.

Thầy Tùng bày tỏ quan điểm ủng hộ những nội dung này bởi tiếng Anh không chỉ là công cụ giao tiếp, mà còn là chìa khóa dẫn đến kho tri thức chung của thế giới. Nội dung này có tính khả thi, song thầy Tùng cũng đánh giá để thực hiện được sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách thức triển khai từ Chính phủ.

Theo thầy, để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai hay phổ cập toàn dân, việc đầu tiên cần làm là đi từ gốc rễ vấn đề - thay đổi cách tiếp cận, cách dạy và học, cũng như nâng cao trình độ của người giảng dạy.

“Học sinh cần thấy được rõ mục đích của việc học tiếng Anh phải đi đôi với tính ứng dụng trong cuộc sống, chứ không nên chỉ dừng ở việc học để thi”, thầy giáo nhìn nhận.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.