Lừa đảo bủa vây, làm sao thoát?

Admin

Dù các cơ quan chức năng và báo chí liên tục cảnh báo, vạch trần những thủ đoạn lừa đảo qua không gian mạng nhưng mỗi ngày vẫn có nhiều người bị lừa từ vài chục triệu đến hàng tỉ đồng

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, các chiêu lừa đảo trên không gian mạng hiện nay đã "vươn lên tầm cao mới" với nhiều thủ đoạn tinh vi, "hợp lý và đáng tin cậy" đến mức người bị lừa không hề hay biết. "Con mồi" của những nhóm lừa đảo có tổ chức không chỉ là người thất nghiệp, thiếu hiểu biết mà cả những người có học thức, có địa vị xã hội, thậm chí rất thành công trong kinh doanh cũng bị đưa vào tròng một cách bài bản.

Tan nát gia đình vì bị lừa

Hệ quả mà các nạn nhân nhận được sau khi dính bẫy lừa đảo là rất lớn, từ suy sụp tinh thần, nợ nần chồng chất, gia đình ly tán, vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn là nhiều người đã tìm đến cái chết để tự giải thoát.

Mất việc từ đỉnh dịch COVID-19 năm 2021, chị Lê Thị Th. (37 tuổi, ngụ Bình Dương) chọn hướng kinh doanh online tại nhà để vừa chăm con nhỏ vừa kiếm thêm thu nhập. Đầu năm 2023, chị được một người lạ có tên "Huong Tran" nhắn tin qua Facebook đặt mua hàng, sau đó tỏ ra thân thiết và nhiệt tình với chị. 

Người này chia sẻ với chị Th. về cơ hội đầu tư ngoại hối lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Chị Th. được đưa vào nhóm có tên "DAU TU QUOC TE 5.0" trên ứng dụng chat Telegram và được một người tên Phương xưng là giám đốc đầu tư gọi điện trao đổi.

"Ông Phương tự giới thiệu có 15 năm làm việc cho các tổ chức tài chính thế giới và đang là cố vấn tín dụng cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, ổng biết các hình thức đầu tư tài chính chuyển đổi quốc tế dành cho nhà đầu tư cá nhân. Mô hình này chưa phổ biến tại Việt Nam nên ai được vào nhóm của ông ấy là rất may mắn, phải có thành viên uy tín giới thiệu mới được. Trong nhóm còn có người của công an, thanh tra và cả Ngân hàng Nhà nước. Tất cả giao dịch phải qua app của Ngân hàng Vietcombank nên rất an toàn" - chị Th. kể.

Thấy chị Th. tỏ ra thận trọng, "Huong Tran" liền khoe hình ảnh mới đi "offline" với nhóm đầu tư trên tại Singapore, trong đó có hình ảnh của một số quan chức, giám đốc doanh nghiệp khá lớn rất quen mặt trên truyền thông Việt Nam nên chị Th. tin hơn. Vài ngày sau, "Huong Tran" ghé đến nhà thăm chị Th. "Bà ấy ghé lúc chập choạng tối, đi xe sang trọng, có cả vệ sĩ. Dù chỉ ngồi khoảng 5 phút nhưng tôi cảm nhận bà ấy là một doanh nhân thành đạt và sống tình cảm nên mới tin đó là người thật, việc thật" - chị Th. cho biết.

Thế là chị Th. bắt đầu dùng tiền dành dụm để "đầu tư", với mức thấp nhất là 5.000 USD. Ngay lệnh mua đầu tiên, chị Th. đã thu được cả vốn lẫn lời là 5.500 USD. Tiền về một app có tên Vietcombank nhưng chưa thể rút về liền. "Tôi cứ nghĩ app đó là của Vietcombank vì nhìn không khác gì app ngân hàng, chỉ khác là có chữ International mà họ nói là phiên bản quốc tế" - chị Th. nói.

Khi số tiền trên app lên đến gần 20 tỉ đồng, chị Th. buộc phải bơm tiền liên tục để mong rút số "tiền lời" đó ra. Như bị ai che mắt, chị Th. vét sạch tiền trong tài khoản của gia đình, cầm cố nhà đất, xe cộ và cả vay nóng tổng cộng hơn 7,5 tỉ đồng tiền thật để bỏ vào tài khoản đầu tư ngoại hối. Liền sau đó, chị bị cho ra khỏi nhóm chat, mọi liên lạc với "Huong Tran" cũng bị chặn, tài khoản Facebook đó cũng bốc hơi. Quá sốc với cú lừa này, chị Th. suy sụp, chồng chị cũng vì thế mà bỏ đi kèm lá đơn ly dị, con nhỏ phải gửi về ngoại chăm sóc, bản thân chị cũng phải trốn tránh vì không có tiền trả nợ cho khoản vay nóng.

Một trường hợp tương tự là anh Vũ Anh T. (32 tuổi, quê Tây Ninh) cũng bị lừa mất hơn 9 tỉ đồng. Nhưng vụ việc còn nghiêm trọng hơn khi anh T. là người có chức vụ trong một chi nhánh ngân hàng nhưng vẫn bị dụ dỗ đầu tư ngoại hối. Đến khi trút hết hầu bao, anh lợi dụng uy tín của mình để huy động tiền của khách hàng đem đi đầu tư. Khi mọi việc vỡ lở, anh T. không xoay được tiền trả cho khách hàng như đã hứa nên bị ngân hàng cho nghỉ việc, đồng thời bị bắt giam để điều tra tội "lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Lừa đảo bủa vây, làm sao thoát? - Ảnh 1.

Nhóm lừa đảo sử dụng những chiêu trò tinh vi, mạo danh cơ quan nhà nước để lừa đảo người dân. (Ảnh chụp màn hình)

Dùng "bẫy tình"

Trong khi đó, anh Phạm Văn B. (40 tuổi, ngụ TP HCM) dù biết bị lừa nhưng vẫn răm rắp làm theo vì vướng vào "bẫy tình" của cô gái lạ trên mạng xã hội. Anh B. kể khoảng cuối tháng 3-2023, anh nhận tin nhắn trên Facebook của một cô gái có tên "Jessica Lee". Nội dung tin nhắn cô gái hỏi anh còn nhớ mình trong một triển lãm về thực phẩm hay không. Là người kinh doanh và tham dự nhiều triển lãm nên dù không nhớ nhưng anh B. vẫn nhiệt tình trả lời cô gái.

Sau đó, cả hai nhắn tin ngày càng nhiều, nội dung xoay quanh cuộc sống, công việc và cả "thả thính" lẫn nhau, gửi cho nhau nhiều thông tin, hình ảnh nhạy cảm. Cô gái cho biết mình đang là mẹ đơn thân, làm diễn viên tự do và có làm thêm trên mạng. Quen nhau được hơn 2 tháng, nhiều lần anh B. đòi gặp mặt nhưng đều bị cô gái từ chối với nhiều lý do thuyết phục. 

Vào một buổi tối giữa tháng 6 vừa qua, anh B. nhận được tin nhắn của "Jessica Lee" nói con gái cô vừa vào bệnh viện, cô phải vào chăm con nên không thể làm công việc trực tuyến và ngỏ ý nhờ anh B. làm giúp khoảng 2 giờ. Công việc rất đơn giản, cô gái đưa tài khoản của mình cho anh B. đăng nhập theo link và cứ nhấp vào ô "nhận mua", sau vài giây báo mua thành công thì nhấp vào ô "chuyển đến kho trung tâm".

Mỗi giao dịch thành công như vậy, tài khoản của "Jessica Lee" nhận được từ 1 đến 20 USD tùy mặt hàng. Kết thúc buổi làm giúp cô gái, anh B. thấy tài khoản của cô ta có hơn 25.000 USD. Sau khi cảm ơn anh B. đã làm giúp, "Jessica Lee" còn nói đó là nguồn thu chính của mình chứ đi diễn thất thường mà thu nhập rất ít. 

Vài ngày sau, "Jessica Lee" nói rằng cô muốn nâng cấp tài khoản bằng cách giới thiệu thành công một người tham gia, nên nhờ anh B. giúp đỡ. Ngay sau đó, anh B. được "Jessica Lee" đưa vào nhóm chat Telegram, sau đó làm theo hướng dẫn mở tài khoản và tham gia "làm nhiệm vụ đặt mua, đặt chuyển hàng hóa cho Walmart toàn cầu".

Anh B. còn mạnh dạn chuyển khoản 300 USD phí mở tài khoản và 200 USD tiền cọc bảo đảm hàng hóa. Tuy nhiên, khi thấy số tiền trong tài khoản lên hơn 4.000 USD nhưng không được rút, biết bị lừa nên anh B. thoát khỏi nhóm và chấp nhận mất 500 USD "tiền ngu". 

Ngay lập tức, "Jessica Lee" đề nghị anh phải tham gia tiếp gói 2.000 USD để giúp cô ấy được nâng cấp tài khoản. Anh B. từ chối liền bị "Jessica Lee" đe dọa gửi những đoạn tin nhắn nhạy cảm giữa hai người cho vợ anh. Không còn cách nào khác, anh B. đã phải chi hơn 2.000 USD cho cô gái ảo để "mua sự an toàn". Kể từ đó, anh B. đã chặn tài khoản của cô gái và luôn sống trong lo âu vì sợ vợ mình biết sự việc.