Lợi ích của bài tập sàn chậu

Admin

Tập sàn chậu giúp phái đẹp hạn chế sa tạng chậu, rối loạn đi tiểu, rối loạn đại tiện do hệ thống cân, cơ, dây chằng nâng đỡ suy yếu.

BS.CKII Nguyễn Thị Hồng Oanh, Đơn vị Niệu Nữ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết tập sàn chậu thường xuyên, đúng cách giúp cải thiện độ đàn hồi, sức mạnh của hệ cân cơ và dây chằng vùng chậu, mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ.

Hạn chế nguy cơ sa tạng chậu: Cơ sàn chậu suy yếu khiến các cơ quan vùng chậu gồm bàng quang, niệu đạo, tử cung, âm đạo, trực tràng sa khỏi vị trí sinh lý. Sa tạng chậu ở mức độ nặng, khối sa có thể lộ hẳn ra ngoài cơ thể khiến phụ nữ có cảm giác vướng, khó chịu, khó đi tiểu và đại tiện, nguy cơ viêm nhiễm, ảnh hưởng đến chức năng tình dục cũng như đời sống vợ chồng. Tập sàn chậu thường xuyên giúp phụ nữ bị sa tạng chậu cải thiện triệu chứng, ngăn tình trạng sa nặng hơn.

Hỗ trợ phòng ngừa và điều trị tiểu không tự chủ: Tập sàn chậu có thể cải thiện khả năng nâng đỡ của cơ sàn chậu với bàng quang và niệu đạo, qua đó tăng khả năng kiểm soát nước tiểu, giúp phụ nữ giảm nguy cơ tiểu không tự chủ (són tiểu) và hỗ trợ điều trị bệnh.

Bác sĩ Hồng Oanh tư vấn tập sàn chậu cho phụ nữ. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7

Bác sĩ Hồng Oanh tư vấn tập sàn chậu cho phụ nữ. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7

Ngăn đại tiện không tự chủ: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đại tiện không tự chủ, trong đó có sa trực tràng do cơ sàn chậu suy yếu.

Phục hồi chức năng sàn chậu sau sinh: Quá trình mang thai và sinh con, kể cả sinh mổ, đều ảnh hưởng lớn chức năng hệ cơ sàn chậu. Tập sàn chậu ngay sau khi sinh có thể phục hồi chức năng của cơ quan này, hạn chế nguy cơ sa tạng chậu, tiểu không tự chủ sau sinh...

Phòng ngừa rối loạn tình dục: Tập sàn chậu thường xuyên giúp cải thiện chức năng sàn chậu, ngăn các rối loạn tình dục ở phụ nữ như đau khi giao hợp, giảm khoái cảm, giãn âm đạo, âm hộ rộng, cải thiện đời sống vợ chồng.

Theo bác sĩ Oanh, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tiền mãn kinh và mãn kinh, đang mang thai hay sau sinh, bị són tiểu, sa tạng chậu cần thường xuyên tập sàn chậu nhằm cải thiện chức năng sàn chậu. Từ đó, người bệnh hạn chế nguy cơ gặp các triệu chứng rối loạn sàn chậu trong tương lai.

Người thực hiện bài tập sàn chậu cần kiên trì, kéo dài suốt đời, kể cả khi về già. Có nhiều bài tập có thể thực hiện tại nhà, tuy nhiên cần tập đúng cách để mang lại hiệu quả tốt hơn. Nếu được, phụ nữ nên tập tại bệnh viện với sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, máy kích thích điện có phản hồi sinh học (biofeedback) giúp nâng cao hiệu quả tập luyện.

Bác sĩ Hồng Oanh khuyến cáo phụ nữ đang gặp vấn đề tiểu không tự chủ, sa tạng chậu, nếu tập sàn chậu không hiệu quả cần đến bệnh viện khám. Người bệnh được xác định chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.

Thắng Vũ