Loạt sai sót khi sử dụng kinh phí trường học ở Quảng Bình

Admin

Thanh tra TP Đồng Hới (Quảng Bình) đã phát hiện nhiều sai sót về việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí tại các trường học trên địa bàn.

Lãng phí trong mua sắm trang thiết bị tại một số trường học trên địa bàn TP Đồng Hới (Quảng Bình). Ảnh: Sở GD&ĐT Quảng Bình.

Thanh tra TP Đồng Hới vừa ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học tại các trường học trên địa bàn.

Theo Báo Quảng Bình, các trường phát hiện sai sót gồm: Tiểu học và THCS Thuận Đức, THCS số 1 Đồng Sơn, Mầm non Lộc Ninh, THCS số 1 Nam Lý, Tiểu học Đức Ninh, Mầm non Hải Thành, Tiểu học Đồng Mỹ, Tiểu học số 2 Bảo Ninh và Tiểu học số 3 Nam Lý.

Nhiều trường mua sắm theo chỉ định thầu

Các trường chủ yếu xây dựng kế hoạch mua sắm mới tài sản, trang thiết bị, công cụ mà chưa chú trọng đến việc rà soát, bố trí kinh phí để duy tu, bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, công cụ, dụng cụ; trình tự, thủ tục lập dự toán kinh phí thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công của các đơn vị chưa bảo đảm theo quy định của Bộ Tài chính.

Việc mua sắm tài sản, trang thiết bị, công cụ phục vụ cho việc dạy và học chưa thực hiện đúng quy định của Bộ Tài chính như: Không lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự toán mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ được giao đầu năm và lập kế hoạch bổ sung đối với các khoản dự toán mua sắm được giao bổ sung trong năm trình Chủ tịch UBND TP Đồng Hới phê duyệt; chưa thực hiện lựa chọn nhà thầu cung cấp theo hình thức chào hàng cạnh tranh hoặc đấu thầu rộng rãi qua mạng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Đáng chú ý, một số tài sản, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học theo kế hoạch là những mặt hàng thông thường, sẵn có trên thị trường, đã được cấp kinh phí thực hiện theo dự toán ngân sách từ đầu năm và có cơ sở lập thành các gói thầu và lựa chọn nhà thầu cung cấp theo hình thức chào hàng cạnh tranh hoặc đấu thầu rộng rãi qua mạng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, giảm thiểu lãng phí.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, hầu hết đơn vị trường học vẫn còn tiến hành mua sắm nhiều lần theo hình thức chỉ định thầu.

Cụ thể, năm 2021, trường Tiểu học và THCS Thuận Đức mua bảng lớp học, bàn ghế học sinh, tủ đựng tài liệu với số tiền hơn 200 triệu đồng. Trường THCS số 1 Đồng Sơn năm 2021 mua máy tính, ti vi phòng tin học, thư viện với số tiền hơn 100 triệu đồng; năm 2022 mua sắm trang thiết bị dạy học 194 triệu đồng; năm 2023 mua bàn, ghế học sinh, mua tủ, bảng trượt 164 triệu đồng

Trường Mầm non Lộc Ninh, năm 2021, mua bảng lớp học, bàn ghế học sinh, tủ đựng tài liệu...với số tiền 150 triệu đồng. Trường THCS số 1 Nam Lý, năm 2021, mua thiết bị phòng thư viện và phòng thực hành với số tiền hơn 160 triệu đồng.

Trường Tiểu học Đức Ninh, năm 2021, mua điều hòa, máy tính, ti vi, máy chiếu trang bị phòng tin học, ngoại ngữ với số tiền 200 triệu đồng. Trường tiểu học Đồng Mỹ, năm 2022, mua sắm bàn, ghế, lắp đặt điều hòa... cho các phòng học với số tiền hơn 100 triệu đồng.

thanh tra truong hoc anh 1

Hầu hết đơn vị trường học vẫn còn tiến hành mua sắm nhiều lần theo hình thức chỉ định thầu. Ảnh: Phòng GD&ĐT TP Đồng Hới.

Sai sót trong quy trình

Một số gói thầu sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị từ nguồn ngân sách hỗ trợ của UBND TP Đồng Hới được thực hiện theo quy trình chỉ định thầu rút gọn, nhưng không thực hiện đăng tải thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định Luật Đấu thầu năm 2013.

Việc thẩm định giá, lập báo cáo thẩm định giá đối với các gói mua sắm tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng chưa thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài chính và của UBND tỉnh (chưa thể hiện rõ thông tin về tài sản thẩm định giá; thời điểm thẩm định giá; căn cứ pháp lý để thẩm định giá; nguyên tắc, cơ sở thẩm định giá; phương pháp thẩm định giá).

Một số trường hợp chưa ban hành quyết định về việc thành lập hội đồng thẩm định giá, biên bản họp hội đồng thẩm định giá, kết luận về kết quả thẩm định giá theo mẫu quy định của Bộ Tài chính (trường THCS số 1 Nam Lý, trường Tiểu học Đức Ninh, trường Tiểu học số 2 Bảo Ninh, trường Tiểu học số 3 Nam Lý).

Về việc quản lý, sử dụng tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, qua kiểm tra nhận thấy tất cả các trường chưa khai thác, sử dụng các phần mềm kế toán, phần mềm quản lý tài sản công để dán nhãn tài sản, công cụ, dụng cụ, phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều chuyển nội bộ; việc thực hiện công khai tài sản công, biểu mẫu công khai đối với tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản chưa thực hiện theo đúng quy định...

Ngoài các nguyên nhân khách quan, Thanh tra TP Đồng Hới chỉ ra nguyên nhân chủ quan là năng lực của nhân viên kế toán tại một số trường còn hạn chế, chưa tham mưu tốt cho hiệu trưởng trong công tác quản lý, đầu tư mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học theo quy định.

Hiệu trưởng các trường chủ yếu tập trung về lĩnh vực chuyên môn, chưa quan tâm nghiên cứu và thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý tài chính, dẫn đến xảy ra các sai sót nhưng không được phát hiện và khắc phục kịp thời.

Qua kết luận nói trên, Thanh tra TP Đồng Hới yêu cầu hiệu trưởng, nhân viên kế toán các trường nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời sửa chữa, khắc phục đối với các hạn chế, thiếu sót, sai phạm đã được chỉ ra.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.