Lo xuất khẩu sầu riêng... hết thời

Admin

Thời hoàng kim của sầu riêng có thể đã qua khi sản lượng tăng nhanh nhưng đầu ra chưa đa dạng, chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Đang vào vụ thu hoạch nên các vựa thu mua sầu riêng vẫn hoạt động cả trong kỳ nghỉ lễ dài ngày, giá cũng tăng so với những ngày trước.

Giá tăng vẫn lo

Ngày 2-5, vựa sầu riêng Vạn Phát Thành (Tiền Giang) thông báo giá thu mua sầu riêng khu vực miền Tây đối với giống Ri 6 loại A (2,7 hộc trở lên, nặng 1,8 - 5,2 kg) là 54.000 đồng/kg, loại B (2,5 hộc trở lên, nặng 1,6 - 5,5kg) là 34.000 đồng/kg. Mức giá này tăng 1.000 đồng/kg so với ngày trước đó và tăng 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 4-2025.

Với sầu riêng Monthong (còn gọi là sầu riêng Dona, Thái), các vựa thu mua loại A và B với giá lần lượt 75.000 đồng/kg và 55.000 đồng/kg.

Tại khu vực Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước), giá thu mua sầu riêng cao hơn khu vực miền Tây 3.000 - 4.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện (Bình Phước), thông tin cách đây 1 tuần, các nhà vườn trong khu vực rất hoang mang vì gần đến ngày thu hoạch vẫn chưa có thương lái đến chốt giá. Tuy nhiên, khoảng 3 ngày gần đây, thị trường đã ấm trở lại, giá sầu riêng chốt tại vườn từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Đáng chú ý, năm nay cũng là năm đầu tiên sầu riêng chính vụ ở Đông Nam Bộ được định giá cao hơn miền Tây do được cải thiện về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường nhập khẩu.

Lo xuất khẩu sầu riêng... hết thời- Ảnh 1.

Bên trong một công ty thu mua sầu riêng xuất khẩu tại tỉnh Bến Tre

Theo ông Vị, các công ty thu mua sầu riêng xuất khẩu đã khởi động trở lại nên nông dân vững tâm hơn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, giá sầu riêng vẫn thấp hơn 10.000 - 15.000 đồng/kg. Do đó, nông dân cần dự trù những khó khăn còn ở phía trước. Điều quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức, sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn thị trường bởi đây là đòi hỏi bắt buộc.

Các vựa cho biết Việt Nam đang "đụng" mùa với sầu riêng Thái Lan trong khi thời gian thông quan để vào thị trường Trung Quốc kéo dài đến 1 tuần (trước đây là 3 - 5 ngày) để thực hiện thủ tục kiểm tra 100% lô hàng, dẫn đến không ít khó khăn.

Thời hoàng kim đã qua?

Bà Võ Thị Trúc Thanh, đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Trung (Đồng Nai), cho rằng sầu riêng đang được thu hoạch ở cả miền Tây (cuối vụ) và miền Đông (đầu vụ), nguồn hàng dồi dào nên giá không thể cao như giai đoạn trái vụ. Hơn nữa, giá sầu riêng Ri 6 tại vườn đang phổ biến ở mức 40.000 đồng/kg là không rẻ. Theo bà Thanh, với giá hiện tại, các nhà máy cấp đông sầu riêng vẫn chưa thể mua vào nhiều vì chưa bảo đảm hiệu quả kinh tế. Thực tế, nhà nhập khẩu Trung Quốc hiện mua sầu riêng đông lạnh phổ biến với giá 160.000 đồng/kg loại 1 và 100.000 đồng/kg loại 2, cho thấy giá nguyên liệu tươi thời điểm này vẫn cao.

"Nông dân trồng sầu riêng có thể đã quen với giá sầu riêng cao ngất ngưởng nên cho rằng giá hiện tại là rẻ. Tuy nhiên, cần nhìn ở góc độ phần đông người tiêu dùng trong nước để xem giá sầu riêng bây giờ đã vừa túi tiền hay vẫn còn xa tầm với?" - bà Thanh nêu.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), nhận định khó khăn của thị trường sầu riêng không phải là hiện tượng cục bộ, nhất thời, đòi hỏi phải sự thay đổi lớn để giữ được phong độ. Ông Mười dẫn số liệu cho thấy năm 2024, xuất khẩu sầu riêng bùng nổ với giá trị 3,3 tỉ USD, kỳ vọng sẽ tiếp tục phá kỷ lục vào năm nay khi Trung Quốc mở cửa thêm cho sầu riêng đông lạnh. Thế nhưng, quý I/2025, xuất khẩu sầu riêng chỉ mới đạt 98 triệu USD, giảm đến 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Trung Quốc thu mua giá trị 49,6 triệu USD, giảm 78% so với cùng kỳ.

"Nguyên nhân ngoài việc Trung Quốc kiểm soát cadimi và vàng O khiến các nước xuất khẩu sầu riêng trở tay không kịp thì còn bởi nhu cầu thị trường yếu đi. Vấn đề thuế quan từ Mỹ khiến kinh tế Trung Quốc không tránh khỏi ảnh hưởng, kéo theo tiêu dùng những mặt hàng xa xỉ như sầu riêng giảm" - ông Mười phân tích.

Các chuyên gia nêu rõ do sầu riêng mang lại lợi nhuận lớn nên diện tích trồng tăng rất nhanh, nhiều vùng trồng có thể chưa được thống kê. Dự báo sản lượng thời gian tới tăng rất mạnh. Để tiêu thụ được sản phẩm, nông dân phải bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về sản phẩm; tránh tâm lý chủ quan rằng chắc chắn sẽ bán được sầu riêng, chỉ là với giá cao hay thấp. "Dù vậy cũng không nên quá hoang mang, vội chặt bỏ sầu riêng. Những vùng trồng cho trái chất lượng tốt, bảo đảm tưới tiêu, năng suất thì nên tiếp tục duy trì vì khả năng cạnh tranh vẫn tốt" - các chuyên gia khuyến cáo.

Ông Nguyễn Văn Mười gợi ý các công ty thu mua cần đa dạng hóa thị trường vì ngoài Trung Quốc, các thị trường khác vẫn có nhu cầu cao về sầu riêng. Mặt khác, không chỉ Thái Lan mà còn các đối thủ mới cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam như Lào, Campuchia... nên doanh nghiệp phải tập trung tăng năng lực cạnh tranh quốc tế. 

Xây dựng niềm tin với thị trường nội địa

Theo khảo sát, giá bán lẻ sầu riêng tại TP HCM rất đa dạng, từ 60.000 - 120.000 đồng/kg tùy điểm bán. Nhiều nhà vườn chủ động rao bán online nhưng giá cũng không rẻ hơn.

Ông Nguyễn Văn Mười nhận xét sầu riêng trước đây chủ yếu để xuất khẩu, ít phục vụ thị trường trong nước nên thiếu sự đầu tư. Người tiêu dùng phải bỏ ra số tiền lớn để mua sầu riêng nhưng tiêu chuẩn, chất lượng không rõ ràng. Nơi bán thường cam kết "bao ăn" nhưng đây là khái niệm mơ hồ trong khi sầu riêng xuất khẩu có định lượng, định tính và kiểm nghiệm rõ ràng. "Có những lô hàng xuất khẩu "quay đầu" vẫn tiêu thụ được trong nước. Do đó, cơ quan chức năng cần phân định rõ, yêu cầu hủy lô hàng vi phạm, chỉ cho phép bán ở thị trường nội địa với những lô đáp ứng tiêu chuẩn" - ông Mười đề nghị.