Lào đưa sang Việt Nam hàng trăm nghìn tấn hàng quan trọng: thuế giá trị gia tăng 5%, nước ta tiêu thụ hơn 10 triệu tấn/năm

Admin

Lào là nhà cung cấp lớn thứ 3 cho Việt Nam ở mặt hàng này.

Lào đưa sang Việt Nam hàng trăm nghìn tấn hàng quan trọng: thuế giá trị gia tăng 5%, nước ta tiêu thụ hơn 10 triệu tấn/năm- Ảnh 1.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2025 Việt Nam nhập khẩu 803 nghìn tấn phân bón, trị giá 302 triệu USD.

Tính từ đầu năm, nhập khẩu phân bón đạt trên 3,1 triệu tấn, tương đương 1,05 tỷ USD, tăng 22% về lượng và tăng 24,2% về trị giá. 

Phân bón của Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 402 triệu USD, tăng 30% về lượng, tăng 36% về kim ngạch. Giá trung bình đạt 298 USD/tấn, tăng 4,2% so với 6 tháng đầu năm 2024.

Nga là thị trường lớn thứ 2, đạt 470 nghìn tấn, trị giá 221 triệu USD, tăng 30% về lượng, tăng 35% về kim ngạch và tăng 4% về giá.

Đứng thứ 3 thị trường Lào, đạt 228 nghìn tấn, trị giá 64 triệu USD, tăng 32% về lượng, tăng 42% về kim ngạch. Giá trung bình đạt 282 USD/tấn, tăng 7,6% so với 6 tháng đầu năm 2024 và là mức giá hấp dẫn nhất trong số các nhà cung cấp chủ đạo.

Lào đưa sang Việt Nam hàng trăm nghìn tấn hàng quan trọng: thuế giá trị gia tăng 5%, nước ta tiêu thụ hơn 10 triệu tấn/năm- Ảnh 2.

Phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số 1 đối với sản xuất nông nghiệp, chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt hiện đang chiếm từ 64-68% trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.

Ngành phân bón Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 nhờ nhiều yếu tố tích cực. Nhu cầu trong nước vẫn ổn định khi nông dân tiếp tục sử dụng phân bón để nâng cao năng suất cây trồng, đặc biệt trong các vụ lúa và cây ăn quả.

Bên cạnh đó, tiềm năng xuất khẩu rất lớn khi nhu cầu phân bón từ các thị trường quốc tế như Ấn Độ, Mỹ và châu Phi dự báo sẽ tăng cao, mở ra cơ hội xuất khẩu rộng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ phân bón cả trong nước lẫn quốc tế đang phục hồi, các doanh nghiệp nội địa có điều kiện thuận lợi để duy trì đà tăng doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận. Một cú huých quan trọng đến từ chính sách thuế mới, có hiệu lực từ ngày 1/5/2025, theo đó phân bón chính thức áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%.

Điều này cho phép doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào, từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Đồng thời, tiết giảm chi phí tạo dư địa để tái đầu tư vào công nghệ sản xuất và mở rộng năng lực cung ứng.

Trong trung hạn, ngành phân bón được dự báo tăng trưởng trung bình 3% mỗi năm, trong đó urê tăng khoảng 2%, NPK tăng 3–6%, chủ yếu nhờ mở rộng diện tích cây ăn trái và nông sản có giá trị cao. Riêng năm 2025, nhu cầu tiêu thụ phân bón dự kiến tăng 4–8%, cao gấp đôi mức tăng trưởng trung bình, nhờ giá nông sản duy trì ở mức tốt và điều kiện thời tiết thuận lợi hơn năm trước, chuyên gia từ Chứng khoán Vietcap nhận định.

Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2025, nhu cầu phân bón trong nước sẽ tăng theo chu kỳ canh tác, trong khi nguồn cung toàn cầu đang tương đối ổn định. Giá phân bón được nhận định sẽ duy trì ở mức vừa phải, khó có khả năng tăng mạnh như giai đoạn 2022–2023.