Lâm vào 'bạo lực lạnh' với con

Admin

Hà NộiSau khi gửi bức thư "làm hòa" với con gái, chị Quyên, 45 tuổi, nhận lại là sự im lặng, khiến người mẹ thêm đau khổ và rơi vào trầm cảm.

"Chúng tôi nhiều lần tìm đến nhà trọ gặp con nhưng không được, cháu chặn Facebook, tôi phải nhờ người theo dõi trên mạng xã hội", chị Quyên chia sẻ với giảng viên tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, Học viện Hạnh Phúc Việt Nam, hôm 17/10.

Vy là con đầu lòng, chịu sự giáo dục nghiêm khắc của bố mẹ. Khi em dậy thì, hai mẹ con liên tục cãi nhau, người mẹ thường so sánh Vy với các em hoặc bạn bè, quản thúc giờ giấc, nếp sinh hoạt, với mong muốn "con nên người". Nhiều lần, hai bên lời qua tiếng lại, Vy khóc và hét to, nói sảng, tự làm đau bản thân, còn người mẹ tức giận bỏ đi.

Lâu dần, Vy im lặng, hạn chế giao tiếp với mẹ, khiến chị Quyên lầm tưởng con đã hiểu chuyện hơn. Năm lớp 12, em gần như im lặng, không còn giao tiếp, người mẹ bức bối, dùng lời lẽ nặng nề, ép nữ sinh đi kiểm tra tâm lý.

Đỗ đại học, em tự ý dọn ra ở riêng, đi làm thêm để trang trải cuộc sống, "cắt đứt" liên hệ với bố mẹ. Chị Quyên đến khu nhà trọ nhưng cửa phòng khóa, nhắn tin, gọi điện con không bắt máy, lấy lý do "bận học". Gia đình gần như chỉ được gặp Vy qua kỳ nghỉ lễ, Tết nhưng em cũng phớt lờ, không giao tiếp, thậm chí là biểu hiện thái độ cực đoan, "bạo lực lạnh" khi mẹ cố gắng nói chuyện. Chị Quyên nhiều đêm mất ngủ, mệt mỏi, rối loạn ăn uống, phải đi khám tâm lý và điều trị thuốc.

Chị Hà, 40 tuổi ở Long Biên, cũng từng phải tìm đến chuyên gia tâm lý tư vấn sau một lần mắng con gái nặng nề khi em đi chơi về muộn. Cô con gái có vẻ đã quen với cảnh này, đứng yên không bộc lộ cảm xúc, sau đó tự nhốt mình trong phòng tắm rất lâu.

Đây không phải là lần đầu chị mắng con, người phụ nữ chỉ nghĩ rằng 1-2 hôm sau, mọi thứ sẽ qua. Tuy nhiên con gái chị đã bạo lực lạnh suốt ba tháng.

"Lúc đó tôi cũng chỉ vì quá lo lắng", chị Hà tâm sự. "Khi cơn giận qua đi, tôi chủ động bắt chuyện, làm lành nhưng cháu không nói, xua đuổi khiến tôi rất bức bối, mối quan hệ hai mẹ con ngày càng căng thẳng". Người phụ nữ mất ngủ kéo dài kèm mệt mỏi, chán ăn, cơ thể suy nhược, được chẩn đoán rối loạn lo âu.

Nhiều cha mẹ bị con cái bạo lực lạnh gây bức bối, mất ngủ, rối loạn lo âu. Ảnh minh họa: Success

Nhiều cha mẹ bị con cái bạo lực lạnh gây bức bối, mất ngủ, rối loạn lo âu. Ảnh minh họa: Success

Các chuyên gia tâm lý nhìn nhận hành động của Vy là bạo lực lạnh, gây tổn hại sâu sắc đến tâm lý người đối diện. Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, cho biết bạo lực lạnh là hành vi bạo lực về tinh thần bằng cách giữ im lặng, không giao tiếp dưới mọi hình thức với đối tác.

Khác với "chiến tranh lạnh" - trạng thái khi có xung đột, mâu thuẫn, cả hai bên đều có thể chọn việc im lặng với đối phương như một cách "đáp trả", còn bạo lực lạnh chỉ mang tính một chiều, biểu thị bằng sự im lặng, thờ ơ, tránh né một cách vô cớ của một người, trong khi phía còn lại có sự mong muốn giao tiếp.

Bạo lực lạnh diễn ra trong những mối quan hệ thân thiết, có sự gắn bó và kết nối giữa các đối tượng như gia đình, người yêu, bạn bè. Theo giảng viên tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, Học viện Hạnh Phúc Việt Nam, riêng trong mối quan hệ cha mẹ - con cái, đứa trẻ có thể im lặng như một cách đáp trả những yêu cầu của cha mẹ hoặc để giải quyết mâu thuẫn, do cảm thấy quá ngột ngạt vì những áp lực, kỳ vọng mà cha mẹ mong cầu. Hành động này có thể bộc phát hoặc là kết quả của quá trình dài gặp căng thẳng. Nhiều trường hợp, trẻ đơn giản là cảm thấy quá khác biệt về quan điểm sống do khoảng cách thế hệ, tạo nên rào cản trong giao tiếp.

Điều này dễ gặp hơn ở những đứa trẻ tuổi mới lớn hoặc vị thành niên, thiếu kinh nghiệm sống, khi đối mặt với sự tức giận của bản thân, không biết cách bộc bạch, giải quyết xung đột. Trẻ có xu hướng im lặng như một cách chống lại cảm giác tồi tệ mà chúng đang chịu đựng và đổ lỗi cho cha mẹ đã tạo ra những cảm xúc đó. Trường hợp cực đoan, trẻ có thể cắt đứt hoàn toàn với gia đình, thậm chí bỏ nhà ra đi. Nguyên nhân khác xuất phát từ việc trẻ cũng từng bị cha mẹ xa lánh, bạo lực lạnh, dẫn tới có phản ứng tương tự.

Các dấu hiệu bạo lực lạnh ở trẻ bao gồm trở nên lạnh lùng một cách đáng sợ với đối phương; không trả lời hoặc trả lời thờ ơ, có lệ; không phản hồi khi người kia bắt chuyện; luôn từ chối chạm mặt nhiều nhất có thể.

Chuyên gia Hương Lan nhìn nhận đây là một hành vi độc hại, đôi khi còn tàn nhẫn hơn bạo hành thể xác, gây tổn hại sâu sắc đến lòng tự trọng. Nạn nhân của bạo lực lạnh có nguy cơ trở nên nhạy cảm quá mức với những yếu tố khiến họ nhớ đến việc bị bạo hành. Đầu tiên là cảm giác căng thẳng, buồn bã, đau đớn, cảm thấy tổn hại lòng tự trọng, lâu dần dẫn đến mất kết nối trong mối quan hệ đó, nảy sinh các bệnh tâm thần như căng thẳng, trầm cảm, rối loạn lo âu.

Giai đoạn cuối tuổi vị thành niên, đầu tuổi trưởng thành là thời điểm thích hợp để bắt đầu điều chỉnh lại mối quan hệ cha mẹ và con cái. Trong bất kỳ mâu thuẫn nào, cha mẹ không nên có tâm lý "hiểu thắng", tránh nói lời làm tổn thương đến con.

Sau khi được điều trị tâm lý, chị Hà đã bình tĩnh hơn và chủ động nhắn tin cho con mỗi ngày, nội dung ngắn phản ánh những thông tin ngắn gọn về gia đình. Sau ba tháng, con gái mở lòng, mối quan hệ không còn căng thẳng như trước.

Còn chị Quyên, tuy nhiều lần cố gắng nhưng "có lẽ mâu thuẫn đã quá lâu, con cũng đủ lớn khiến mối quan hệ khó hàn gắn", người phụ nữ nói và cho biết sẽ học cách nhẫn nại chữa lành cho bản thân cũng như nối lại sợi dây tình cảm với con.

Thúy Quỳnh