Khởi động dự án đường sắt 8 tỉ USD

Admin

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài hơn 403 km, đi qua 9 tỉnh, thành phố.

Đó là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (gọi tắt là dự án Lào Cai - Hải Phòng) có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới với ga Hà Khẩu Bắc - Trung Quốc thuộc địa phận TP Lào Cai; điểm cuối tại khu cảng Lạch Huyện, TP Hải Phòng.

Hoàn thành năm 2030

Dự án Lào Cai - Hải Phòng được đầu tư là đường sắt cấp 1, đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế tuyến chính dưới 200 km/giờ. Đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội có tốc độ thiết kế 120 km/giờ; các đoạn tuyến nối, tuyến nhánh 80 km/giờ. Tốc độ khai thác giai đoạn 1 đường đơn là 160 km/giờ tàu khách và 120 km/giờ tàu hàng.

Tổng chiều dài tuyến đường sắt mới khoảng 403,1 km, gồm tuyến chính 388,1 km và 2 tuyến nhánh 15 km. Địa điểm thực hiện dự án tại 9 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Theo tính toán sơ bộ, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 194.929 tỉ đồng (hơn 8 tỉ USD).

Dự án này được thực hiện theo hình thức đầu tư công. Nguồn vốn sử dụng gồm vốn ngân sách, nguồn tăng thu tiết kiệm chi, thu từ phát triển quỹ đất, phát hành trái phiếu, vốn ODA và vốn vay ưu đãi với lãi suất hợp lý. Dự án dự kiến triển khai đầu tư năm 2026 và cơ bản hoàn thành xây dựng vào năm 2030.

Khởi động dự án đường sắt 8 tỉ USD- Ảnh 1.

Bản đồ hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: TEDI

Ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Lào Cai - Hải Phòng. Dự kiến, hồ sơ dự án sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội trước ngày 10-2. Quốc hội sẽ họp ban hành nghị quyết trước ngày 18-2; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý III/2025. Dự án sẽ hoàn thành thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu xây lắp và khởi công năm 2025.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xác định đây là dự án quan trọng quốc gia với quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật mới, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam. Vì vậy, cần thiết phải áp dụng các chính sách đặc thù, đặc biệt để dự án đáp ứng tiến độ cơ bản hoàn thành vào năm 2030.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất 17 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong đó, 13/19 chính sách tại Nghị quyết 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đề xuất áp dụng tương tự dự án Lào Cai - Hải Phòng.

Đối với cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất 6 chính sách. Trong đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được đề xuất nhận chuyển giao công nghệ sản xuất phương tiện, thiết bị cho dự án.

Tăng cường kết nối giao thông

Ngày 4-2, đoàn công tác của Quốc hội do ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, làm trưởng đoàn đã khảo sát thực tế dự án Lào Cai - Hải Phòng.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Đào Ngọc Vinh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) - đại diện liên danh tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, cho biết tuyến đường sắt mới đi qua địa bàn TP Hà Nội dài 44,65 km. Hà Nội có 3 ga là Bắc Hồng, Đông Anh, Yên Thường và trạm tác nghiệp kỹ thuật Kim Sơn. Từ Kim Sơn sẽ có đoạn đường sắt vành đai phía Đông tới khu vực Ngọc Hồi, Thường Tín để kết nối đường sắt phía Nam. Đoạn này theo quy hoạch sẽ đầu tư sau năm 2030.

Khởi động dự án đường sắt 8 tỉ USD- Ảnh 2.

Tàu hàng Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai hiện nay. Ảnh: TẠ HẢI

Về việc kết nối đường sắt khu đầu mối Hà Nội, từ ga Đông Anh đã có đường sắt hiện hữu khổ 1.000 mm đến các ga Yên Viên rồi Gia Lâm, Lạc Đạo trên tuyến Gia Lâm - Hải Phòng, chạy tàu khách và tàu hàng. Từ ga Yên Viên đến khu tổ hợp Ngọc Hồi để kết nối với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tuyến đường sắt đô thị số 1 đi xuyên tâm theo tuyến khổ 1.000 mm hiện hữu.

Tại TP Hải Phòng, dự kiến tuyến đường sắt mới sẽ chạy song song với đường bộ cao tốc đến ga Nam Hải Phòng ở huyện Kiến Thụy. Đây là ga đầu mối dành cho tàu khách và tàu hàng. Tiếp đến là khu cảng Lạch Huyện, điểm cuối của tuyến. Trên đoạn ga Nam Hải Phòng - ga cảng Lạch Huyện có nhánh đường sắt kết nối ra cảng Đình Vũ.

Từ ga Nam Hải Phòng, tuyến đường sắt mới kết nối với đường sắt đô thị theo quy hoạch của TP Hải Phòng để gom và giải tỏa hành khách về khu trung tâm thành phố. Cũng từ khu vực ga này, nhánh đường sắt kết nối với cảng Nam Đồ Sơn dài khoảng 12,63 km sẽ được đầu tư với kinh phí khoảng 4.200 tỉ đồng, song theo tư vấn sẽ được thực hiện ở giai đoạn 2 khi nhu cầu đủ lớn.

Góp ý về dự án Lào Cai - Hải Phòng, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đề nghị đầu tư nhánh đến cảng Nam Đồ Sơn đồng thời với tuyến đường sắt mới để đón đầu nhu cầu vận chuyển. Trường hợp chưa thể đưa vào vốn dự án, Hải Phòng sẵn sàng đầu tư bằng nguồn vốn địa phương để khai thác nhánh này đồng bộ với toàn tuyến từ năm 2030. 

Khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ ngày 4-2 đã ký ban hành Chỉ thị 03 yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ 2025. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành thủ tục, khởi công dự án Lào Cai - Hải Phòng trong năm 2025.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hướng dẫn phạm vi, đối tượng để phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho tuyến đường sắt này.