Khi nào cần mổ u mạch máu não?

Admin

Em gái tôi đau đầu thường xuyên, bác sĩ khám phát hiện u mạch máu não nhưng chưa chỉ định mổ, để lâu có nguy hiểm không? (Thành Tài, Đồng Nai)

Trả lời:

U mạch máu não là các tổ chức dị dạng mạch máu nhỏ trong não, hình dạng thường giống quả dâu tây hoặc tổ ong. Bên trong bao gồm nhiều khoang nhỏ chứa máu, ngăn cách nhau bởi lớp màng mỏng.

Khối u mạch máu não có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong não, phần lớn ở hai bán cầu đại não, khoảng 80%. Một số trường hợp tại thân não hoặc hố sau (vùng gần đáy sọ chứa tiểu não và thân não), ít gặp ở tủy sống.

Triệu chứng bệnh và mức độ nguy hiểm tùy thuộc vào vị trí, kích thước, tình trạng của khối u (có xuất huyết hay không). Người bệnh có khả năng bị đau đầu, co giật, suy giảm nhận thức, rối loạn thị giác, nhìn đôi, rối loạn ngôn ngữ, yếu cơ, tê liệt. Khối u mạch máu não cũng có thể hình thành và phát triển âm thầm, không gây triệu chứng.

U mạch máu não thường lành tính nên không xảy ra hiện tượng di căn. Tuy nhiên, bệnh không được theo dõi, điều trị kịp thời, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy cơ biến chứng như suy giảm chức năng thần kinh, co giật, xuất huyết não, tử vong.

Dựa vào thăm khám lâm sàng và kết quả chẩn đoán hình ảnh bằng kỹ thuật chụp CT, MRI sọ não hoặc chụp mạch máu xóa nền (DSA), bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thần kinh có thể chẩn đoán bệnh u mạch máu não và chỉ định phương án điều trị phù hợp.

Chụp MRI 3 Tesla giúp đánh giá các loại u não hay bất thường mạch máu trong não. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Chụp MRI 3 Tesla giúp đánh giá các loại u não hay bất thường mạch máu trong não. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7

Nếu khối u mạch máu não có kích thước nhỏ, không có biểu hiện xuất huyết và chưa gây triệu chứng, bác sĩ thường chỉ định điều trị nội khoa và theo dõi, tái khám định kỳ. Bác sĩ có thể chụp lại CT, MRI hoặc DSA để theo dõi sát diễn tiến của khối u, kiểm soát nguy cơ biến chứng nguy hiểm, kịp thời thay đổi phương án điều trị phù hợp, nếu cần.

Bác sĩ chỉ định phẫu thuật hoặc xạ phẫu bằng tia gamma khi khối u mạch máu não kích thước lớn, phát triển nhanh, nguy cơ xuất huyết, dọa vỡ hoặc gây ra các triệu chứng nguy hiểm cho người bệnh. Trong đó, phẫu thuật là phương pháp điều trị tối ưu bệnh u mạch máu não, góp phần loại bỏ được hoàn toàn hoặc phần lớn kích thước u.

Chẳng hạn Bệnh viện Tâm Anh ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật, máy móc hiện đại như robot AI mổ não Modus V Synaptive, hệ thống định vị thần kinh Neuro-Navigation AI, kính vi phẫu K.Zeiss Kinevo 900 có chức năng chụp huỳnh quang 3D thế hệ mới nhất... giúp bác sĩ phân biệt rõ phạm vi khối u với các bó sợi thần kinh, mạch máu và mô não lành xung quanh. Từ đó, êkíp chủ động lựa chọn vị trí mổ, đường tiếp cận, dễ dàng bóc tách, loại bỏ u não nói chung và u mạch máu não nói riêng an toàn, hiệu quả, bảo tồn tối đa chức năng thần kinh cho người bệnh.

Em gái của bạn mắc khối u mạch máu não nên khám định kỳ tại cơ sở y tế có chuyên khoa phẫu thuật thần kinh để được theo dõi và chỉ định điều trị kịp thời.

U mạch máu não thường khởi phát tự nhiên, không xác định rõ nguyên nhân. Người từ 40 tuổi trở lên, có người thân từng mắc bệnh u mạch máu não, từng xạ trị hoặc bị nhiễm chất phóng xạ, thường có nguy cơ cao hơn, nên khám định kỳ tại chuyên khoa phẫu thuật thần kinh. Bác sĩ có thể chỉ định chụp chiếu khi cần thiết, giúp tầm soát, chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.

ThS.BS.CKII Mai Hoàng Vũ
Chuyên khoa Phẫu thuật Thần kinh,
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp