Khi học phí là 'cần câu cơm' của các trường

Admin

Chương trình chất lượng cao có mục tiêu ban đầu là thúc đẩy năng lực cạnh tranh của sinh viên Việt Nam trên thị trường lao động khu vực. Nhưng thực tế cho thấy đây chỉ là “cần câu cơm” của các trường đại học công lập.

Học phí luôn là nỗi lo của thí sinh khi tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học. Ảnh: Nghiêm Huê/Tiền Phong.

Học phí đại học hiện nay thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81 và Nghị định 97. Luật Giáo dục Đại học 2018 cho phép mở rộng quyền tự chủ của trường đại học, quyền tự chủ được nới đến đâu, khung học phí được mở đến đó.

Học phí không còn cào bằng giữa các trường, thậm chí giữa các ngành trong một trường. Nghị định đã mở ra nhiều trường hợp, chỉ còn quy định cứng trần học phí với chương trình chuẩn của trường đại học công lập chưa tự chủ.

Tự chủ đi cùng với tự thu

Các trường chưa tự chủ có thể nới học phí đối với chương trình CLC, chương trình tiên tiến. Đối với những trường tự chủ, quyền quyết định học phí còn thoáng hơn.

Ví dụ, tự chủ mức 1, mức 2 (tự chủ chi thường xuyên), trần học phí được thu cao gấp đôi đến gấp 2,5 lần trường chưa tự chủ. Với các chương trình đã được kiểm định, ngay với trường chưa tự chủ, nhà trường cũng được quyền tự xác định mức thu học phí cho chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do chính trường ban hành.

Do độ mở của chính sách nên các trường phát triển tối đa chương trình CLC, chương trình tiên tiến. Một cơ sở đào tạo có đến vài loại hình đào tạo, tùy điều kiện kinh tế và năng lực, sinh viên sẽ được chia vào những ô khác nhau.

ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) 100% chương trình đào tạo CLC, học phí năm học 2024-2025 là 44 triệu đồng/năm học/sinh viên. Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh cho các tài năng thể thao của khóa tuyển sinh 2024 là 98 triệu đồng/khóa học.

Học phí hệ liên kết ĐH Troy (Mỹ) khoảng hơn 351 triệu đồng/3 năm; hệ liên kết ĐH St. Francis (Mỹ) khoảng hơn 358 triệu đồng/4 năm học. Năm học 2025-2026, học phí hệ đại học chính quy là 4,6 triệu đồng/tháng (tương đương 46 triệu đồng/năm học).

ĐH Mở TP.HCM công bố mức học phí năm học 2025- 2026 dự kiến đối với chương trình chuẩn từ 24-28,5 triệu đồng/năm. Các chương trình CLC hầu hết thu học phí 46,5 triệu đồng.

Riêng các ngành Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ thông tin (những ngành nóng trong thời gian gần đây), học phí lên đến 49,5 triệu đồng.

ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) có các chương trình đào tạo bao gồm: 40 ngành hệ tiêu chuẩn (học phí 30 triệu đồng/năm học); một ngành chương trình tiên tiến, 27 ngành dạy và học bằng tiếng Anh (học phí 80 triệu đồng/năm học).

Năm 2025, lần đầu tiên ĐH Bách khoa có 2 ngành thuộc chương trình liên kết cử nhân kỹ thuật quốc tế, có học phí 256 triệu đồng/năm.

ĐH Kinh tế Quốc dân đang đào tạo nhiều chương trình như chương trình chuẩn, chương trình CLC, chương trình tiên tiến, chương trình POHE (định hướng ứng dụng), chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.

Tại đề án tuyển sinh năm 2025 được công bố hồi tháng 1, nhà trường mới chỉ đưa ra mức học phí chương trình chuẩn khoảng 18-25 triệu đồng/năm học, chưa công bố học phí các hệ đào tạo còn lại.

Năm học 2024-2025, học phí chương trình CLC của ĐH Kinh tế Quốc dân là 65 triệu đồng/năm học; học phí chương trình tiên tiến là 47 triệu đồng/năm học.

Điều đáng nói, trong đề án tuyển sinh mấy năm gần đây, ĐH Kinh tế Quốc dân gần như “quên” không công bố học phí chương trình CLC, chương trình tiên tiến, chương trình POHE và chương trình dạy bằng tiếng Anh, thông tin học phí duy nhất được công khai trong đề án là chương trình chuẩn (chương trình có học phí thấp nhất, theo khung của Chính phủ đối với trường tự chủ).

Thiếu đầu tư nên phải giật gấu vá vai?

Trên diễn đàn Quốc hội (kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV), đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) nêu thực tế, mức học phí cấp đại học tại các trường tự chủ, đặc biệt hệ CLC, cao gấp đôi so với hệ đại trà.

Người học luôn trong tình trạng nơm nớp lo ngại khi học phí tiếp tục leo thang, năm sau cao hơn năm trước 10%-30%. Cử tri cho rằng việc phân luồng đào tạo không chỉ dựa vào học lực, mà còn dựa vào điều kiện kinh tế gia đình của học sinh có khả năng đáp ứng 4-5 năm đại học hay không.

Con em gia đình khó khăn khó mà theo học đại học dù có năng lực học tập tốt. Vấn đề này cũng đã được đại biểu đề cập trước đây nhưng có ý kiến người nghèo có chính sách cho hộ nghèo, học sinh giỏi có chính sách học bổng, nhưng số này rất ít. Hiện nay, hầu hết gia đình có con em học đại học đều khó khăn về tài chính.

Tài chính luôn là bài toán khó của trường đại học, đặc biệt khi thực hiện tự chủ. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn từng chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, mỗi năm, ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục đại học khoảng 17.000 tỷ đồng (chiếm 0,27% GDP) khiến các trường khó thúc đẩy chất lượng và phát triển quy mô.

Nếu tính theo số thực chi, tỷ lệ chi cho giáo dục đại học trên GDP là 0,18%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.

Theo Bộ GD&ĐT, ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục đại học tiếp tục cắt giảm, hàng năm giảm theo lộ trình 2,5-5% gây khó khăn cho các đơn vị trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là việc hoàn thiện chương trình đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Các khoản thu hoạt động dịch vụ giáo dục - đào tạo chủ yếu để bù đắp chi phí tạo lập nguồn thu nên cũng không còn chênh lệch nhiều để bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy,...

Mặt khác, đối với các trường chưa tự chủ chi thường xuyên, mức thu học phí vẫn chưa thể thực hiện lộ trình tính đủ chi phí đào tạo do áp lực cạnh tranh trong tuyển sinh và do tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, nên phần lớn các trường vẫn đưa ra mức học phí chưa tính đủ chi phí, điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của đơn vị.

Vậy, tăng chi phí đầu tư cho giáo dục đại học được lấy từ đâu? Trong bối cảnh mức chi của doanh nghiệp cho các hoạt động hợp tác với trường đại học chỉ ở mức độ vừa phải, trong khi đầu tư của Nhà nước giảm thì chỉ có thể tăng đầu tư giáo dục từ người học, đây cũng là lý do buộc các trường đại học phải tăng học phí.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.