Ngày càng đa dạng hình thức các chương trình truyền hình, nhất là các game show tìm kiếm tài năng liên quan đến âm nhạc, rap và người mẫu. Bên cạnh đó, các chương trình hẹn hò cũng trở thành mảnh đất màu mỡ để nhà sản xuất khai thác đề tài.
Chẳng có gì đáng nói nếu các chương trình không đề cao tính câu view, câu like dẫn đến tần xuất sử dụng chiêu trò có mặt dày đặt.
Gây tranh cãi, không cách này thì cách khác
The Face Vietnam 2023 tạo dựng được hiệu ứng tranh cãi tại các diễn đàn, không phải vì chất lượng thí sinh hay dàn huấn luyện viên có chuyên môn mà vì giành chỗ đứng.
Bốn huấn luyện viên Kỳ Duyên, Minh Triệu, Vũ Thu Phương và Anh Thư liên tục cãi cọ vì tranh vị trí đứng chụp hình. Dù đã bốc thăm, Minh Triệu và Kỳ Duyên nhất quyết không tách nhau ra đẩy cục diện ngày càng căng thẳng.
Chỉ từ câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng cả 4 huấn luyện viên không tìm thấy tiếng nói chung, tiêu tốn nhiều thì giờ để giải quyết. Kỳ Duyên, Mỹ Triệu bảo vệ đến cùng quan điểm một đội phải đứng cùng nhau. Anh Thư, Vũ Thu Phương cho rằng đàn em ngang ngược.
"Thế hệ của chị đến thế hệ của chị Vũ Thu Phương có tôn ti trật tự rõ ràng. Các em nên nhìn nhận lại", Anh Thư rời khỏi vị trí ghi hình và nhắn nhủ.
Trong cuộc phỏng vấn với Người Đưa Tin, Vũ Thu Phương cho biết, trước khi chương trình diễn ra mối quan hệ chị em rất tốt đẹp nhưng sau đó, cô không muốn làm việc với Minh Triệu và Kỳ Duyên nữa.
Trên các trang mạng xã hội, khán giả bày tỏ sự bức xúc khi cho rằng từ một tình huống nhỏ mà ban tổ chức cố xé ra to. Dù tổng đạo diễn sau đó khẳng định đây là tình huống xảy ra ngoài dự kiến song vẫn không thuyết phục được người xem tin vào điều này.
Rap Việt mùa 3 trở lại với hình thức đổi mới, sức hút của một chương trình lớn về dòng nhạc rap nhận được sự quan tâm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ đối với một game show.
Hình thức bình chọn đi tiếp hay dừng lại từ khán giả trường quay dấy lên nghi vấn về tính khách quan và công bằng đối với một cuộc tranh tài. Không phải ai cũng có chuyên môn về rap và cũng không bài hát nào là đúng gu hoàn toàn, sự cảm tính trở thành thước đo đánh giá thì thật khó chấp nhận với người xem.
Trường hợp của Dubbie (Hữu Khương) vào vòng trong khi rap sai kiến thức lịch sử, nhận phiếu bầu 96% từ khán giả trường quay vì ngoại hình chiếm ưu thế. Trong khi đó, Alen (Huỳnh Thượng Trí) lại phải dừng chân với số điểm bình chọn 48%, rap bài hát có câu chuyện và được đánh giá cao.
Người Ấy Là Ai mùa 4 cũng gây tranh cãi ngay tập mở đầu. Người hâm mộ chỉ trích MC Trấn Thành nói sai kiến thức về quá trình chuyển giới từ nữ sang nam của người chơi.
Trấn Thành đã dịch và thuật lại khi nói về cánh tay đầy sẹo của NPAK, người chuyển giới từ nữ sang nam đến từ Thái Lan: "Anh ấy từng là một phụ nữ. Cái tay này, người ta phải mở mạch máu ra rồi đưa hormone và mọi thứ vào để chuyển giới".
Sau khi tập này được lên sóng, cộng đồng LGBT+ và các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực đã phản bác câu nói của Trấn Thành. Việc tiêm hormone nam vào mạch máu là chống chỉ định, có thể dẫn đến tử vong. Sau làn sóng chỉ trích, nhà sản xuất đã lên tiếng xin lỗi và nhận trách nhiệm về khâu kiểm duyệt nội dung.
Chiêu trò phản tác dụng
Trong các chương trình truyền hình, chiêu trò trở thành "đặc sản" để tăng tính kịch tính, thú vị tuy nhiên khán giả chỉ chấp nhận ở mức giải trí vừa đủ thay vì các drama liên miên, kéo dài và đặc biệt lên án các nội dung mang tính sai lệch kiến thức.
"Tôi cảm thấy yếu tố giải trí là điều tất yếu của một gameshow nhưng thú thực làm màu, làm mè và lố lăng để tăng tương tác thì quá thất vọng. Các nhà sản xuất dường như cứ xào nấu chiêu cũ qua các mùa, thật khiến nó cũ mèm, nhàm chán và gây khó chịu", khán giả Trọng Nghĩa nêu quan điểm.
Một khán giả khán chia sẻ: "Quả thật The Face năm nay đang cố gắng tạo dựng drama gì vậy? Tôi thật sự lấy nó lố lăng chứ không cuốn hút. Mỗi vị trí chỗ ngồi thôi mà không thống nhất được thì thí sinh thi còn đẩy drama lên tới đâu nữa, mùa 1 hay biết mấy".