Tình trạng đầu bù tóc rối, mắt thâm quầng vì thức khuya hay mất ngủ là dấu hiệu rất dễ nhận biết của một người phụ nữ đang trong hành trình làm mẹ bỉm sữa. Chăm con mọn, nếu đứa trẻ dễ chịu, ngoan ngoãn thì mẹ nhàn tênh, nhưng nếu bé hay quấy khóc đêm thì đây quả thực sẽ là “nỗi ám ảnh” của nhiều bà mẹ. Sau khi “lên chức”, nữ diễn viên Sam cũng không thoát được cảnh này.
Cách đây vài ngày, bà mẹ 2 con đã lên mạng “than trời” khi cặp song sinh quấy khóc cả đêm, cô phải liên tục thức khuya để chăm các nhóc tỳ. Được biết, cặp "Rồng con" gồm một trai, một gái của nữ diễn viên và ông xã ngoại quốc chào đời vào tháng 2/2024. Theo như tiết lộ, tên ở nhà của 2 nhóc tì được đặt là Ijin và Ijun.
Vì là lần đầu chưa có kinh nghiệm, Sam nhiều lần thừa nhận bản thân gặp vô số khó khăn, áp lực vì bù đầu bù cổ chăm con. Thậm chí, dù nhà có đến 3 người hỗ trợ nhưng Sam tự nhận bản thân là người cầu toàn, kỹ tính nên muốn tự mình chăm con. Mỹ nhân 35 tuổi nhập hội “nghiện con” khi thường xuyên khoe ảnh bé Ijin và Ijun lên mạng xã hội. “Trộm vía” các nhóc tỳ lai Hàn bụ bẫm, xinh xắn nên được rất nhiều người hâm mộ quan tâm, yêu thích.
Trong video chia sẻ mới nhất, bà mẹ 2 con cho biết: “Đây là lần thứ n mà Ijin và Ijun nhà mình bị gắt ngủ và khóc đêm. Mình đã thử đủ cách mà các mẹ khác chỉ để 2 con có thể vào giấc tốt hơn nhưng vẫn không ‘si nhê’ gì hết trơn. Bữa giờ cũng gần 1 tháng rồi, mình rầu quá…”
Có lẽ ai ở trong hoàn cảnh chăm con mọn, cũng từng ít nhất vài lần trải qua hoàn cảnh giống như Sam nên các mẹ bỉm rất đồng cảm. Theo các chuyên gia, bác sĩ, nói về tình trạng trẻ sơ sinh bị gắt ngủ và khóc đêm, thường sẽ đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc nắm bắt được nguyên nhân và tìm đúng phương pháp giải quyết sẽ giúp cho các mẹ bỉm nuôi con nhàn nhã hơn.
Vậy nguyên nhân trẻ hay gắt ngủ, khóc đêm là gì?
- Trẻ khóc đêm do khó chịu mọc răng: Từ 4 tháng tuổi trở đi, nhiều trẻ bắt đầu mọc răng và khoảng 2 tuổi các bé sẽ mọc đủ hàm răng sữa.
- Trẻ khóc đêm khó ngủ, kết hợp với các biểu hiện như chảy nước dãi nhiều, nướu sưng đỏ hoặc sốt nhẹ thì chắc chắn bé đang mọc răng. Vì thế nếu thấy trẻ 2 tuổi khóc đêm, mẹ cũng chưa cần quá lo lắng và kiểm tra xem con có đang mọc nốt những chiếc răng sữa cuối cùng không nhé.
- Trẻ đi vệ sinh: Trẻ sơ sinh hay khóc đêm vì tã lót bẩn khiến da bé khó chịu, kém thoải mái. Vì vậy nếu bé bỗng khóc quấy đêm, mẹ cần nhanh chóng kiểm tra bé có đi vệ sinh không và nhanh chóng thay tã mới cho bé.
- Ảnh hưởng từ tâm trạng của người lớn: Những người gần gũi trẻ như cha mẹ, bảo mẫu nếu có tâm trạng tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, buồn chán... cũng sẽ “lây" sang trẻ. Trẻ em rất nhạy cảm, những biến đổi tâm trạng hoặc thay đổi môi trường sống đột ngột có thể khiến trẻ bất an, lo lắng và khóc đêm bất thường.
- Nhiệt độ phòng ngủ: Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ của trẻ nhỏ. Nhiệt độ phòng ngủ nóng quá hoặc lạnh quá đều khiến trẻ khó chịu, kém thoải mái nên khó vào giấc ngủ.
- Tác nhân gây dị ứng cho bé: Phòng ở của trẻ không trong lành, xuất hiện các tác nhân gây kích ứng đường hô hấp như khói thuốc lá, mùi sơn, bụi bẩn, lông động vật... dẫn tới trẻ quấy khóc, giấc ngủ ban đêm bị gián đoạn.
- Tiếng ồn: Những âm thanh có công suất lớn hoặc bất ngờ phát ra có thể làm trẻ giật mình và quấy khóc. Do vậy, cần hạn chế tối đa tiếng ồn và chọn vị trí yên tĩnh để trẻ có giấc ngủ sâu.
- Trẻ bị nghẹt mũi: Trẻ mới sinh hoặc trẻ đang bị cảm thường xuất hiện nhiều vảy mũi trong khoang mũi khiến trẻ bị nghẹt mũi, khó thở. Trẻ bắt buộc phải thở bằng đường miệng. Không khí hô bên ngoài tác động đến cổ họng khiến trẻ đang bị nghẹt mũi, tiếp tục ho khan, sự khó chịu càng gia tăng và quấy khóc. Cha mẹ cần tích cực vệ sinh mũi để trẻ hít thở dễ dàng, lúc đó bé mới ngủ ngon được.
- Rối loạn tiêu hóa: Trẻ bị rối loạn tiêu hóa đi ngoài phân lỏng hoặc bụng phình to, đánh hơi nhiều nhưng không đi tiêu được khiến trẻ khó chịu do bụng chướng, đau bụng.
- Hoạt động quá mức: Hệ thần kinh của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, khả năng ức chế thần kinh kém. Do vậy, nếu ban ngày trẻ có nhiều hoạt động vui chơi quá sức sẽ khiến não bộ vẫn trong tình trạng hưng phấn nên khi ngủ đêm, trẻ có biểu hiện đột nhiên la khóc, thậm chí “nói mơ".
Có cách nào giúp trẻ dễ ngủ hơn vào ban đêm không?
1.Thiết lập thói quen ngủ ngon
Giờ giấc ngủ đều đặn: Hãy cố gắng cho trẻ ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Điều này giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học của trẻ, tạo thói quen ngủ ngon.
Tạo thói quen ngủ: Hãy tạo một chuỗi hoạt động nhất định trước khi ngủ như tắm, massage, đọc truyện, hát ru, để báo hiệu cho trẻ biết sắp đến giờ ngủ.
Tạo môi trường ngủ lý tưởng: Phòng ngủ nên yên tĩnh, tối, thoáng khí, nhiệt độ phù hợp. Tránh tiếng ồn, ánh sáng quá chói.
2. Chăm sóc trẻ trước khi ngủ
Cho trẻ bú no: Đảm bảo trẻ bú no trước khi ngủ để tránh bị đói giữa đêm.
Thay tã: Thay tã cho trẻ trước khi ngủ để tránh tình trạng ẩm ướt gây khó chịu.
Ôm ấp và vỗ về: Ôm ấp, vỗ về, hát ru cho trẻ có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn và dễ ngủ hơn.
Tắm nước ấm: Tắm nước ấm trước khi ngủ có thể giúp trẻ thư giãn và dễ ngủ hơn.
3. Giảm thiểu các yếu tố gây khó ngủ
Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh: Tránh cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại, máy tính, tivi trước khi ngủ.
Tránh cho trẻ uống quá nhiều nước trước khi ngủ: Điều này có thể khiến trẻ thức dậy để đi tiểu giữa đêm.
Giảm thiểu tiếng ồn: Giữ cho phòng ngủ yên tĩnh, tránh tiếng ồn từ bên ngoài.