Gia đình tôi vừa đón tin vui lớn với sự chào đời của cô con gái đầu lòng sau gần 2 năm kết hôn. Về phía nhà chồng, con tôi là cháu gái “độc nhất vô nhị” vì các anh em khác trong nhà đều sinh con trai. Đó cũng là lý do vì sao nàng tiểu công chúa được ông bà nội “cưng như trứng mỏng” ngay từ khi sinh ra.
Mấy ngày nay, nội ngoại đều xôn xao chuyện đặt tên cho cháu gái. Mỗi người đều tìm cho riêng mình những cái tên yêu thích, và sẽ góp ý để vợ chồng tôi cùng xem xét lựa chọn vào hôm họp gia đình trưa hôm nay.
Ảnh minh hoạ
Trước đó, khi bàn riêng với ông xã về chuyện này, chúng tôi đã đi đến thống nhất con gái sẽ mang họ của mẹ, và tương lai sinh con trai thì sẽ mang họ của bố, như vậy cho công bằng để bố mẹ không ai tị nạnh ai. Tuy đây là trường hợp khác với số đông, vì thông thường từ xưa đến nay con sinh ra đều mang họ của cha, nhưng tôi cảm thấy nó không có vấn đề gì cả, cũng không trái pháp luật nên tùy theo quyết định của mỗi bố mẹ.
Sau khi nghe tôi phân tích và thuyết phục thì chồng cũng đồng ý để con gái mang họ của mẹ. Khi cuộc họp gia đình diễn ra, tôi đã thông báo về lựa chọn này của vợ chồng. Dĩ nhiên, tôi cũng đã đoán trước được nó sẽ nhận sự phản đối gay gắt từ bố mẹ chồng và quả thực tôi đã nghĩ không sai.
Tuy tôi đã giải thích rất rõ về lý do vì sao lại đưa ra quyết định này, giống như nội dung tôi đã bàn với chồng trước đó, thế nhưng bố mẹ chồng vẫn tỏ ra vô cùng khó chịu. Vậy là giữa tôi và ông bà có cuộc tranh cãi bất phân thắng bại, cuối cùng khi cái kết vẫn chưa rõ là lợi thế thiên về ai thì trong không khí căng thẳng, bố chồng bất ngờ tuyên bố với vợ chồng tôi rằng ông sẽ lấy lại miếng đất 5 tỷ đã cho chúng tôi trước đó.
Ảnh minh hoạ
Với lý do là vì tôi cứng đầu, không nghe lời ông. Bố chồng đưa ra lời đanh thép về việc nếu vợ chồng tôi quyết định đặt tên con theo họ mẹ, bỏ qua những gì ông bà nói thì từ nay về sau sẽ không được hưởng bất kỳ tài sản nào nữa. Bố chồng cho rằng, tôi đang thiếu tôn trọng ông nên mới làm chuyện vô lý như thế, bao đời nay trong gia đình chưa từng có trường hợp ngoại lệ con mang họ mẹ xảy ra.
Nói rồi bố mẹ chồng giận dỗi bỏ vào phòng, cuộc họp gia đình cũng dở dang chưa đâu vào đâu trong không khí hết sức nặng nề. Vì thái độ gay gắt này của bố chồng, tôi cũng bắt đầu lung lay, chồng thì mắng tôi khi bày ra chuyện chọc tức bố mẹ làm gì để mất mảnh đất 5 tỷ. Giờ tôi cũng tiếc lắm, không lẽ tôi đã sai rồi sao…
Tâm sự từ độc giả phannha…@gmail.com
Tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, các cặp bố mẹ thường đặt tên đăng ký khai sinh cho con theo họ của người bố. Việc này dường như đã trở thành thông lệ tại đối với nhiều người, tuy nhiên đây không phải là quy định bắt buộc.
Theo quy định tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch, các cặp vợ chồng hoàn toàn có thể đăng ký tên khai sinh cho con mang họ mẹ trong thời kỳ hôn nhân. Cụ thể, khoản 1 Điều 4 Nghị định 123 nêu rõ:
Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây: Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán…
Căn cứ quy định trên, khi đăng ký khai sinh cho con, cha mẹ có thể thỏa thuận về việc đặt tên cho con theo họ mẹ. Theo đó, để đăng ký cho theo theo họ mẹ thì bắt buộc phải có sự đồng thuận của cả hai vợ chồng.
Tuy nhiên thực tế việc sinh con, nuôi con và đặt tên cho con không chỉ là vấn đề của bố mẹ mà còn là vấn đề của gia đình, tất cả các thành viên trong gia đình.
Với sự đa dạng hóa của văn hóa xã hội, những năm gần đây xuất hiện rất nhiều trường hợp trẻ em lấy họ mẹ, tuy nhiên việc lấy họ bố vẫn là xu hướng phổ biến trong xã hội nên dần dần trở thành mâu thuẫn gia đình phổ biến.
Do đó khi cả hai đứng trước một quyết định quan trọng như đặt tên cho con mới sinh thì cần phải lấy ý kiến của mọi người trong gia đình, đặc biệt là những người có chức vị cao như ông bà để không xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.