Hơn 50% trẻ ở Hà Nội và TP HCM mắc tật khúc xạ

Admin

Tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở trẻ em Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, nguyên nhân chủ yếu là lối sống.

Thông tin được Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết tại lễ Phát động Chương trình vì sức khỏe cộng đồng Mắt khỏe ngời sáng tương lai ngày 7/10, tại Hà Nội. Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Thị giác Thế giới.

Khảo sát về tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em trên một số trường tiểu học và trung học cơ sở năm 2020 tại Hà Nội và năm 2023 tại TP HCM của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy tỷ lệ trẻ bị các cấn đề về mắt, nhất là cận thị ngày càng tăng cao. Tại Hà Nội, khoảng 51% trẻ em mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm 8,2% và loạn thị là 5,3%. Còn tại TP HCM, tỷ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ lên tới 75,6% trong đó, số trẻ em bị cận thị chiếm 52,7%.

Trong khi một khảo sát khác vào năm học 2019-2020, cũng do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) thực hiện, ghi nhận tỷ lệ học sinh mắc khúc xạ là hơn 27%. Như vậy, số học sinh mắc tật về mắt tại TP HCM tăng nhanh theo thời gian.

Tật khúc xạ, gồm cận, viễn, loạn thị... có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở nhóm học sinh, sinh viên, dân văn phòng, người tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử. Thống kê chung từ Bộ Y tế ghi nhận Việt Nam có 5 triệu trẻ mắc các tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm đa số. Bệnh gặp ở trẻ thành phố nhiều hơn trẻ sống ở quê. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán 50% dân số toàn cầu có khả năng bị cận thị vào năm 2050.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Minh Thư

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Minh Thư

PGS.TS Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, cũng nhìn nhận tỷ lệ cận thị ở trẻ ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố, thậm chí tại nhiều lớp học, trên 50% học sinh bị cận thị.

Cận thị bẩm sinh (di truyền) chiếm khoảng 30%. Dị tật này rất khó phòng tránh và kiểm soát nếu trẻ không được sàng lọc hoặc chủ động đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt. 70% còn lại liên quan lối sống sinh hoạt hằng ngày. Điển hình như nhìn gần kéo dài, sớm tiếp xúc các thiết bị điện tử,... hay thói quen thường xuyên ngồi trong phòng, không sinh hoạt ngoài trời.

"Cận thị hay các bệnh về mắt nói chung làm hạn chế khả năng học tập của trẻ. Nếu không được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, quá trình tiến triển cận thị nhanh, có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho nhãn cầu và ảnh hưởng thị lực", PGS Đông nói.

Học sinh trường Tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội) được khám mắt sáng 7/10. Ảnh: Lê Nga

Học sinh trường Tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội) được khám mắt sáng 7/10. Ảnh: Lê Nga

Thứ trưởng Hương cho biết một trong những chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh của Bộ Y tế là tăng tỷ lệ học sinh được tầm soát phát hiện giảm thị lực, được kê đơn kính và được hướng dẫn rèn luyện thị lực lên 40% vào năm 2025. Dịp này, chương trình sẽ tổ chức chăm sóc mắt miễn phí cho hàng chục nghìn các em học sinh tại 20 trường tiểu học, mầm non tại Hà Nội và TP HCM.

Tại chương trình, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ cần lưu ý tăng cường cho trẻ chơi ngoài trời, không gian mở, hạn chế sử dụng các thiết bị có màn hình. Đồng thời, cần tuân thủ nguyên tắc 20-20-20, nghĩa là cứ sau 20 phút nhìn màn hình thiết bị điện tử, phụ huynh nên cho bé nghỉ ít nhất 20 giây và tập trung mắt vào một vật cách xa hơn 20 feet (khoảng 6 m).

Trẻ bị cận thị cần đeo kính phù hợp, tái khám định kỳ để điều chỉnh kính đúng độ. Ăn uống đủ chất, lưu ý bổ sung các loại thực phẩm có chứa vitamin A, carotene...

Lê Nga - Diệu Tâm