Hollywood cũng chao đảo vì AI

Admin

Không còn “dọa” nữa, hàng nghìn diễn viên và biên kịch Hollywood đã tham gia vào cuộc đình công lớn nhất ở nước Mỹ. Vì sao vậy?

Tường thuật của tờ The New York Times cho biết, tham gia đình công, hàng loạt diễn viên không đóng phim và cũng không tham gia quảng cáo. Cuộc biểu tình làm trì trệ việc sản xuất các bộ phim bom tấn, trong đó có các phần tiếp theo của loạt phim Avatar và Deadpool. Sẽ mất một khoảng thời gian để khán giả xem phim ngoài rạp có thể nhận thấy sự thay đổi, nhưng người xem truyền hình Mỹ thì đã sốc khi mà các chương trình đêm khuya đang phải phát sóng lại các mùa cũ do ảnh hưởng của cuộc đình công.

Brian Cox, nam diễn viên chính trong loạt phim “Kế vị” của HBO chia sẻ, cuộc đình công có thể kéo dài đến cuối năm. Trong khi đó, The New York Times cho rằng cuộc đình công sẽ làm cho chất lượng của các phim điện ảnh và truyền hình bị ảnh hưởng khi mà cuộc đình công ở Hollywood được cho là màn “song kiếm hợp bích”: biên kịch và diễn viên cùng đình công có thể khiến Hollywood đóng cửa lần đầu tiên sau hơn 60 năm.

Nguồn gốc của nó bắt đầu từ tháng 5 khi các biên kịch phản ứng trước những lo ngại về điều kiện làm việc và những thách thức của việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngành công nghiệp phim. Còn lần này nguyên nhân trực tiếp của cuộc đình công là tiền lương, nhưng nguyên nhân gián tiếp cũng là AI. Các hãng phim phải hứng chịu nhiều vấn đề về mặt tài chính, còn các diễn viên và biên kịch thì lại đòi mức lương cao hơn. Trước đây, với một bộ phim truyền hình ăn khách, các diễn viên và biên kịch đều được nhận một khoản thù lao mỗi khi một tập phim được chiếu đi chiếu lại. Tuy vậy, sự xuất hiện của các nền tảng chiếu phim trực tuyến đã làm thay đổi hệ thống này.

Như vậy là cả biên kịch lẫn diễn viên của Hollywood cũng đã phát hoảng trước AI khi nền tảng công nghệ này được áp dụng ngày càng nhiều. Hiệp hội Diễn viên màn ảnh - Liên đoàn nghệ sĩ truyền hình và phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA) cho rằng, đối với những diễn viên quần chúng không có tên tuổi, sự ra đời của các AI tân tiến đe dọa trực tiếp đến sinh kế của họ trong một ngành công nghiệp vốn luôn có tính cạnh tranh cao. Còn Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) e rằng AI có thể tạo ra một kịch bản từ một vài gợi ý đơn giản, sau đó biên kịch chỉ được thuê để “chuốt” lại với mức tiền công thấp, chưa nói đến chuyện sa thải luôn và ngay.

AI đang xuất hiện hiều hơn trong các lĩnh vực đời sống, có phủ định nó cũng không được. Vấn đề là phải tìm cách thích nghi.

Và con người phải vượt lên, tạo ra những sản phẩm “người hơn” so với máy móc, công nghệ.