Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hồ Chí Minh, chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm. Từ năm 1975 đến nay, có gần 1 triệu người đã chết, còn hơn 3 triệu người là nạn nhân, đi lại rất khó khăn. Chất độc da cam không chỉ tàn phá một thế hệ, mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, di truyền qua nhiều đời, đến nay đã còn để lại ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ thứ tư của người Việt Nam. Cụ thể, cả nước có hơn 850.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, có 350.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và có khoảng 500 người nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hồ Chí Minh cho biết, những năm qua, lãnh đạo các cấp TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam, với nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực như hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, tặng quà, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân da cam. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, Hội đã tặng quà và tiền mặt lên đến hơn 6 tỷ đồng.
“Mặc dù công tác chăm lo, hỗ trợ cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam được quan tâm, nhưng vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong việc thẩm định hồ sơ, giám định thương tật nạn nhân; các mức trợ cấp vẫn còn thấp và hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của đa số nạn nhân. Đặc biệt, những gia đình có nhiều thế hệ bị nhiễm độc, người bệnh nặng, hoặc có con bị dị tật, thiểu năng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, cần sự chung tay chăm sóc, hỗ trợ hơn nữa của các cơ quan đơn vị, ban ngành… Vì vậy, sắp tới các đơn vị cần phát huy tinh thần tương thân tương ái, tiếp tục chung tay giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp nạn nhân chất độc da cam từng bước hòa nhập đời sống xã hội", thiếu tướng Trần Ngọc Thổ chia sẻ thêm.
Tại lễ kỷ niệm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát động chương trình gây quỹ cộng đồng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2024 “Thắp sáng tương lai,” kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng xã hội cùng Hội chăm sóc sức khỏe, tinh thần, đời sống, giúp các nạn nhân chất độc da cam hòa nhập với cộng đồng. Đồng thời, việc tiếp tục đấu tranh công lý về pháp lý quốc tế rất cần sự chung tay của mỗi hội viên, tỉnh hội, thành hội, các đơn vị từ Trung ương đến địa phương.
Nhân dịp này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương “Vì nạn nhân da cam” cho các cá nhân đã tích cực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều tổ chức, cá nhân đã trao hỗ trợ học bổng cho con cháu của nạn nhân da cam; tri ân các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân./.
Thùy Dương