Hồi hộp theo giá cà phê

Admin

Giá cà phê lên xuống quá thất thường khiến nhà vườn vừa mừng vừa lo

Diễn biến giá cà phê thời gian qua vượt xa sức tưởng tượng của nhiều người. Do đó, để tránh rủi ro, nhà vườn không nên tham gia đầu cơ, mua vào chờ tăng giá tiếp mà với lượng hàng đang có, chia từng đợt ra bán theo nhu cầu tài chính.

Tăng "điên cuồng"

Ngày 11-2, cà phê tại khu vực Tây Nguyên có giá trung bình 131.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với ngày trước đó. Trong khi đó, giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch London (Anh) dao động từ 5.573 đến 5.696 USD/tấn, tương đương 140.000 đến 144.000 đồng/kg, tăng từ 110 đến 133 USD/tấn so với một ngày trước. Đáng chú ý hơn, giá cà phê Arabica trên sàn New York (Mỹ) đã gây bất ngờ lớn khi chỉ trong một phiên giao dịch đã tăng vọt 540 USD lên mức 9.460 USD/tấn cho kỳ hạn giao tháng 3-2025.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, nói giá cà phê tăng "điên cuồng", ngoài sức tưởng tượng và sắp tới dư địa tăng vẫn còn. Với việc giá cà phê cao như vậy, doanh nghiệp (DN) buộc phải mua cao, bán cao theo giá thị trường chứ không chốt giá trước từ sớm.

Chuyên gia thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình nhận xét giá cà phê Arabica tăng như "sóng thần". Nguyên do chính đến từ lo ngại mất mùa ở vụ tới và việc các nhà đầu tư tài chính đang đổ tiền vào đây bởi mức sinh lợi cao.

Theo đại diện một DN xuất khẩu cà phê, Brazil đang cạn kiệt cà phê Arabica do hết mùa, nông dân bán ra nhỏ giọt trong khi thời tiết khắc nghiệt, lo ngại vụ tới vẫn khan hiếm.

Giá cà phê Arabica lập kỷ lục mới khiến cho giá cà phê Robusta thêm trợ lực đứng vững ở mức cao do khoảng cách giá giữa 2 loại cà phê chính trên thế giới vẫn ở mức rất xa. Cùng kỳ hạn giao hàng trong tháng 3-2025, giá cà phê Robusta đang thấp hơn Arabica đến 3.780 USD/tấn, tức chỉ bằng 60% về giá trong khi niên vụ trước, có lúc cà phê Robusta vượt mặt Arabica.

Bà Nguyễn Thị Chiến ở Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) cho biết sau khi thu hoạch, gia đình chỉ mới bán 1 tấn cà phê nhân với giá 115.000 đồng/kg, còn khoảng 10 tấn cà phê vẫn để trong kho dù nhiều thương lái gọi hỏi mua. "Vụ trước, gia đình bán cà phê lúc 73.000 đồng/kg, tưởng là trúng giá nhưng sau tiếc vì bán quá rẻ nên năm nay chờ. Dự kiến vài hôm nữa giá cà phê ổn định, tôi sẽ bán bớt 1/3 chứ hiện gia đình chưa cần tiền" - bà Chiến bày tỏ.

Cũng theo bà Chiến, giá cà phê lên xuống quá thất thường khiến nhà vườn cũng hồi hộp, không rõ khi nào là thời điểm giá tốt nhất để bán hàng.

Trong khi đó, về xuất khẩu cà phê, tính từ tháng 10-2024 đến tháng 1-2025, luôn giảm về số lượng so với cùng kỳ năm trước. Đây là yếu tố giúp giá cà phê đứng vững ở mức cao, kéo theo giá trị xuất khẩu cà phê kỷ lục. Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết cà phê nhân xuất khẩu tháng 1 đạt 137.568 tấn, kim ngạch 694,93 triệu USD, giảm 38,2% so với cùng kỳ năm ngoái về sản lượng nhưng tăng 8,8% về giá trị.

Một chuyên gia trong ngành nói trong những năm trước đây, giai đoạn này thường mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu khoảng 200.000 tấn cà phê/tháng. Điều này cũng có nghĩa là trong thời gian tới, Việt Nam vẫn còn nhiều hàng để đưa ra thị trường. Nếu lượng bán ra ồ ạt, có thể kéo giá xuống thấp.

Hồi hộp theo giá cà phê- Ảnh 1.

Phơi cà phê tại Học viện Café Việt Nam VCA. Ảnh: AN NA

Đã đến lúc bán ra?

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu (thương hiệu cà phê Meet More), nhận xét nông dân Việt Nam đã rút kinh nghiệm từ năm ngoái nên không vội bán ra khi giá vừa tăng. "Những dữ liệu hiện nay cho thấy xu hướng vẫn tốt cho giá cà phê. Ngoài nỗi lo mất mùa, thông tin mới là khả năng Mỹ đánh thuế hàng hóa khu vực Nam Mỹ. Khi đó, cà phê Brazil, Colombia, Peru... sẽ đắt hơn nữa, tạo lợi thế cho cà phê Việt Nam" - ông Luận lý giải.

Ông Luận nói thêm giá cà phê hiện nay rất có lợi cho nông dân và quan trọng nhất là nhiều nông dân vẫn có hàng để bán. "Từ nay đến tháng 6-2025, giá cà phê vẫn ở mức tốt và vấn đề "thừa hàng" chưa phải lo" - ông Luận dự báo.

Ở góc độ người trồng và kinh doanh cà phê, ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Công ty CP Học viện café Việt Nam VCA (tỉnh Gia Lai), cho biết hạn hán năm nay khắt nghiệt hơn năm ngoái nên vụ tới còn tiếp tục lo mất mùa. "Giá cà phê trong nước hiện thấp hơn giá sàn London đến gần 15.000 đồng/kg, trong khi trước đây tương đương hoặc chỉ thấp hơn khoảng 5.000 đồng/kg. Phải chăng có hiện tượng kiềm giá trong nước để có lợi cho DN xuất khẩu?" - ông Long đặt vấn đề.

Về việc nên bán cà phê khi nào, ông Long nói thời điểm này rất khó đưa ra lời khuyên cho nông dân. "Nhưng nếu tôi có vài tấn cà phê thì sẽ không bán hết ngay mà sẽ chia ra từng đợt, bán dần đến trước tháng 7-2025" - ông Long nêu giả thuyết.

Trong khi đó, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), khuyến cáo nông dân không nên có tư tưởng đầu cơ vì rất rủi ro. "Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận giá cà phê đang ở mức rất tốt, cao hơn trước đây tới 2-3 lần. Khi giá đã đạt đến mức kỳ vọng thì có thể bán ra theo nhu cầu chi tiêu, tái đầu tư và chăm sóc cho vụ mới" - ông Minh nói.

Theo giới kinh doanh, dù giá cà phê hiện ở mức rất cao nhưng khả năng nông dân mở rộng diện tích canh tác gần như không có vì không còn đất. Chỉ có thể giữ sản lượng bằng việc chăm sóc vườn, tái canh khi vườn đến tuổi. Do đó, ngành cà phê chưa lo đến khủng hoảng thừa. 

Nỗi lo cà phê dỏm

Cà phê nguyên liệu tăng quá nóng đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất cà phê dỏm, chủ yếu từ bắp, đậu nành, hương liệu hoặc cà phê phế phẩm. Cuối tháng 1 vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã phát hiện 3 cơ sở tại TP Pleiku đang sản xuất, buôn bán cà phê bột nhãn hiệu "Uyên". Tại đây, các đối tượng đang tẩm, ướp, trộn phụ gia, hóa chất không rõ nguồn gốc vào cà phê để đưa ra thị trường tiêu thụ. Qua trưng cầu giám định, cơ quan chức năng đã xác định có 785 kg cà phê là giả.

Không chỉ ở Việt Nam, mà Hiệp hội Các nhà rang xay cà phê Brazil (ABIC) cũng vừa lên tiếng về một số công ty bán các sản phẩm cà phê giả trên thị trường nội địa. Trước đó, ABIC đã phát hiện các sản phẩm như bột cà phê nhưng thực tế không chứa nguyên liệu hạt cà phê mà các thành phần như: vỏ, lá cà phê, các loại hạt khác và hương liệu cà phê.