Nhiều học sinh có nhu cầu học thêm để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Ảnh: Thành Đông. |
Hai ngày trước, Hải Yến, học sinh lớp 11 tại Hà Tĩnh, nhận thông báo từ giáo viên môn Toán rằng lớp học thêm Toán tại nhà sẽ "bế giảng" vào cuối tháng 1. Bởi vì từ ngày 14/2/2025, Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT sẽ chính thức có hiệu lực.
Thông tư số 29/2024 ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ GD&ĐT mới ban hành nêu rằng giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang dạy tại trường. Ngoài nội dung này, bộ cũng đặt ra loạt quy định về việc tổ chức, đăng ký lớp dạy thêm trong trường, ngoài trường.
Học sinh có nhu cầu học thêm rất lớn
Giống như nhiều người bạn khác, khi nghe giáo viên thông báo dừng lớp học thêm, Yến cảm thấy tiếc nuối vì phải rời xa nơi mà em đã gắn bó trong một năm qua.
Lớp học thêm mà Yến đang theo học là lớp môn Toán, do giáo viên bộ môn Toán của lớp nữ sinh mở tại nhà để học sinh đăng ký nếu có nhu cầu.
Để đảm bảo học sinh thoải mái tiếp thu kiến thức, giáo viên chia học sinh thành 2 nhóm trung bình và khá - giỏi. Với lớp trung bình, các bạn được củng cố lại kiến thức trong sách giáo khoa và tập luyện các dạng đề cơ bản để thành thạo hơn. Còn với lớp khá - giỏi, giáo viên của Yến sẽ dạy thêm kiến thức nâng cao ngoài sách và luyện nhiều bộ đề khó.
Hiện tại, Yến theo học lớp khá - giỏi với mức học phí 40.000 đồng/buổi. Nữ sinh đánh giá mức học phí này khá rẻ, thậm chí rẻ hơn rất nhiều so với môn Tiếng Anh (hình thức online) mà em đang theo học. Điều quan trọng là tất cả học sinh ở lớp học thêm đều tự nguyện đăng ký học vì có nhu cầu chính đáng.
“Em thấy ai cũng có nhu cầu học thêm, nhất là học sinh THPT vì các bạn đều muốn ôn luyện để thi tốt nghiệp THPT. Còn về học phí, mặt bằng chung các thầy cô ở địa phương em đều thu mức phí dạy thêm như vậy. Học sinh, phụ huynh đều cảm thấy ổn với số tiền đó”, Yến chia sẻ.
Nói thêm về lớp học thêm Toán, Hải Yến cho biết mức thu 40.000 đồng/buổi là mới tăng vào tháng 10/2024. Trước đó, giáo viên của em chỉ thu 35.000 đồng/buổi.
“Vào ngày tăng học phí, giáo viên của em đã thông báo trước, đồng thời trình bày lý do tăng học phí và mong học sinh, phụ huynh thông cảm. Cô còn nói rằng bạn nào không đồng ý với mức tăng thì có thể báo với cô nghỉ học. Bọn em đều thấy mức tăng 5.000 đồng không đáng kể nên vẫn gắn bó với cô”, Hải Yến nói thêm.
Tương tự, Nguyễn Linh, học sinh tại TP.HCM, cũng đang học thêm môn Toán và Vật lý do giáo viên ở trường mở lớp tại nhà. Nữ sinh cho biết 2 lớp học thêm này đều do học sinh chủ động đề xuất với giáo viên vì có nhu cầu củng cố kiến thức.
Các lớp học thêm của Linh đều diễn ra vào buổi tối nên không ảnh hưởng đến việc học ở trường. Về phần học phí, Linh không tiết lộ nhưng em nói rằng mức thu hiện tại khá ổn, các học sinh tham gia lớp học thêm đều đồng ý, phụ huynh của các em cũng không ai có ý kiến.
Hải Yến thích học thêm với giáo viên của mình vì em đã quen với cách dạy của cô. Ảnh minh họa: Pexels. |
Giáo viên cũng cần thu nhập
Nói thêm về quy định cấm giáo viên mở lớp dạy thêm cho học sinh đang phụ trách ở trường, Linh cho biết đã nghe thông tin này thông qua các bạn cùng lớp. Hiện tại, giáo viên của em chưa có thông báo về lớp học thêm, nhưng em khá lo là thông tư sẽ có những ảnh hưởng đáng kể.
Nữ sinh cũng đặt câu hỏi vì sao Bộ GD&ĐT lại không cho phép giáo viên mở lớp ngoài để dạy chính học sinh của mình. Đối với Linh, giáo viên dạy thêm cho học sinh của mình là điều tốt nhất vì họ đã có thời gian dài gắn bó với học sinh, hiểu rõ năng lực, điểm mạnh, điểm yếu của các bạn để điều chỉnh phương pháp dạy học tốt hơn.
“Có thể bộ cấm giáo viên dạy học sinh của mình vì sợ xảy ra hiện tượng ép học sinh đi học hoặc dạy trước kiến thức, nhưng em nghĩ chuyện đó chỉ xảy ra vài năm trước. Còn ở thời điểm hiện tại, em thấy ai cũng có nhu cầu học thêm. Chưa cần giáo viên thông báo, học sinh đã chủ động đề nghị mở lớp để được đi học”, Linh khẳng định.
Hải Yến cũng đưa ra quan điểm tương tự. Em nói rằng nếu bộ cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh của mình, các em sẽ rất khó tìm lớp phù hợp vì không biết các giáo viên khác có cách dạy thế nào, có phù hợp hay không. Cá nhân em chọn lớp học thêm hiện tại vì em đã quen với cách dạy của cô giáo đó, cảm thấy dễ tiếp thu và thoải mái khi trao đổi kiến thức.
Còn về việc không cho phép giáo viên thu học phí, Yến nói rằng em không muốn điều đó xảy ra. Đối với nữ sinh, học thêm cũng là một dạng dịch vụ nên em cần đóng học phí đàng hoàng. Hơn nữa, nếu dạy học sinh của mình mà không được thu học phí, giáo viên sẽ rất khó khăn vì thiếu thu nhập.
“Em thấy lương giáo viên không cao nên ai cũng phải dạy thêm hoặc làm thêm để kiếm thu nhập. Nếu cấm giáo viên dạy học sinh của mình và cấm thu tiền, em nghĩ cần phải có phương án tăng lương cho giáo viên để các thầy cô yên tâm công tác. Nhưng nhìn chung, em vẫn muốn thầy cô được mở lớp vì chúng em vẫn có nhu cầu học rất nhiều”, Yến đề xuất.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.