Học làm phim từ khi 12 tuổi

Admin

Lần đầu đi quay, không ít học viên còn lúng túng, chưa biết sắp xếp phân cảnh sao cho hợp lý. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn của giáo viên, các em nhanh chóng thực hiện tốt nhiệm vụ.

Trại hè điện ảnh không chỉ dạy trẻ cách quay, dựng mà còn hướng trẻ đến văn hóa lành mạnh thông qua học viết kịch bản. Ảnh: Lan Anh.

Buổi học thứ 4 của trại hè điện ảnh, Tuấn Anh (15 tuổi) háo hức đến lớp từ sớm dù 9h mới bắt đầu. Hôm nay, nam sinh sẽ được học về kỹ năng quay phim, chụp ảnh - phần mà em mong chờ nhất ở khóa trại hè này.

“Em rất thích xem phim. Mỗi lần xem được một bộ phim hay, em tò mò lắm, tò mò về cách người ta làm ra một bộ phim hay xây dựng một cảnh quay", Tuấn Anh chia sẻ.

Lớp học không bàn ghế

Trại hè điện ảnh mà Tuấn Anh tham gia có khoảng 20 bạn, đủ các lứa tuổi từ 10 đến 15. Học phí của khóa này là 4 triệu đồng/12 buổi, đã bao gồm hỗ trợ trang thiết bị máy quay, máy dựng và ăn trưa.

Ba buổi đầu tiên, các em đã được tìm hiểu về nghệ thuật điện ảnh, sáng tạo ý tưởng, thiết lập kịch bản và kỹ năng diễn xuất. Đạo diễn Đặng Ngọc Dũng là giảng viên đứng lớp.

“Hôm nay, chúng ta sẽ làm quen, khám phá các tính năng của các thiết bị quay phim, cỡ cảnh, góc máy cơ bản”, anh Dũng mở đầu buổi học thứ 4.

Ở phía dưới, thay vì ngồi bàn ghế, cả lớp ngồi thành vòng tròn, chăm chú lắng, cùng nhau xem lại những cảnh phim và thảo luận.

- Có bạn nào biết về quy tắc “một phần ba" không?

- Để căn chỉnh góc hả thầy?

- Đúng rồi. Quy tắc “một phần ba" là kiến thức cơ bản để các em sắp xếp bố cục trong quay phim…

Nghe thầy giảng, Tuấn Anh tỏ ra thích thú. Lâu nay, em chỉ tự tìm hiểu trên mạng về cỡ cảnh toàn, trung, cận và tập tành quay video bằng điện thoại. Thế nhưng, hình ảnh đưa ra không đẹp, chỉ mang tính chất quay cho vui. Đến hôm nay, Tuấn Anh mới biết đến những kiến thức về tác dụng của từng cỡ cảnh, đường chân trời, điểm vàng…

Tương tự Tuấn Anh, mùa hè này, Minh Tuệ (15 tuổi) cũng tham gia trại hè điện ảnh vì tò mò cách sản xuất ra một bộ phim. Ba ngày đầu học lý thuyết, Minh Tuệ có vẻ không hứng thú. Thế nhưng, đến buổi thứ 4, những tò mò của Tuệ dần được giải đáp.

“Hóa ra, để xây dựng nên một cảnh, đoàn làm phim phải quay từ nhiều góc khác nhau. Từ góc máy cao, góc máy thấp, đến góc máy trên cao, góc máy trên không… mỗi góc máy lại quyết định việc khán giả sẽ thấy những sự việc gì”, Minh Tuệ hào hứng.

tre nghi he anh 1

Trại hè điện ảnh mà Tuấn Anh tham gia có khoảng 20 bạn, đủ các lứa tuổi từ 10 đến 15. Ảnh: Lan Anh.

Đoàn làm phim thu nhỏ

10h30, học xong lý thuyết, anh Dũng ra hiệu chia lớp học thành 2 nhóm, thực hành làm đoạn phim ngắn trên cơ sở kịch bản đã xây dựng ở các buổi trước.

- Bước đầu tiên, các em cần thảo luận về cảnh quay, góc quay trong bộ phim ngắn của mình… Sau đó, các em tự phân công các vị trí trong đoàn làm phim theo những gì đã học ở buổi trước…

Với sự tò mò, Minh Tuệ và Tuấn Anh chọn ngay vị trí quay phim. Các em sử dụng điện thoại, ipad để thực hành ngay những gì đã học trong buổi sáng. Qua sự nhắc nhở của thầy, Tuệ và Tuấn Anh chú ý hơn đến đường chân trời, góc máy, căn bố cục…

Trong khi đó, Hoàng Bách (12 tuổi) lại nhận vị trí diễn viên. Bách chia sẻ ở các buổi trước, em đã được gặp các diễn viên nổi tiếng, được diễn thử trước lớp, em vui lắm. Lâu nay, Bách vẫn mơ ước trở thành diễn viên nổi tiếng, vì vậy, có cơ hội, em xung phong đầu tiên.

“Buổi học trước, em được diễn viên Tú Oanh khen diễn tốt. Tuy nhiên, em cần luyện tập nhiều hơn, phải cố gắng giữ biểu cảm, cảm xúc, không được bật cười khi đang diễn", Bách chia sẻ hôm nay, em sẽ vào vai một cậu bé hiếu động, đúng với lứa tuổi của em.

Trao đổi với Tri thức trực tuyến, đạo diễn Ngọc Dũng cho biết khi nhắc tới làm phim, nhiều người nghĩ ngay tới vị trí đạo diễn, diễn viên. Nhưng để sản xuất ra được bộ phim hoàn chỉnh, ekip lên đến cả trăm người, từ đạo diễn, diễn viên đến trợ lý, âm thanh, biên tập, biên kịch, quay phim…

“Trong lớp học, bạn nào thích vị trí nào sẽ xung phong đứng ở vị trí đó, điều này giúp học viên hiểu hơn về bản thân”, anh Dũng chia sẻ.

Nam đạo diễn hướng dẫn một nhóm di chuyển ra bên ngoài lớp học. Theo anh, với kịch bản phim hài cần có bối cảnh rộng, thoáng, việc ra ngoài sẽ giúp các em có không gian diễn xuất, quay được nhiều phân cảnh.

Lần đầu đi quay, không ít học viên còn lúng túng, chưa biết sắp xếp phân cảnh sao cho hợp lý. Đứng ngoài quan sát, anh Dũng liên tục hỗ trợ, nhắc nhở các bạn nhỏ chú ý đến các cảnh quay, góc quay và khả năng diễn xuất. Thậm chí, với những cảnh quay chưa ưng ý, anh và “đoàn làm phim nhí" phải thực hiện lại nhiều lần.

Cũng trong quá trình thực hiện, nam giảng viên luôn cố gắng hướng dẫn các học viên cách thức tương tác, kết nối với nhau, tránh việc người này nói, người kia không nghe.

“Việc làm phim khá vất vả. Tuy nhiên, thông qua đây, các em được học hỏi nhiều thứ như khả năng quan sát, kỹ năng làm việc theo nhóm, xây dựng ý tưởng, viết kịch bản cho đến khả năng diễn xuất, quay phim…”, anh Dũng cho hay.

Để các em tự tiếp xúc, trải nghiệm

Đạo diễn Ngọc Dũng là giảng viên của trại hè điện ảnh từ năm 2015. Tám năm đứng lớp, anh cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là các học viên nhí được tiếp xúc với nhiều văn hóa khác nhau. Dần dần, tư duy, tư tưởng của các bạn có xu hướng bị cá nhân hóa.

“Mình cảm thấy các bạn ít có người để chia sẻ nên tư tưởng, ý tưởng bị quanh quẩn bởi những điều không hay. Điều này được thể hiện qua giao tiếp và xây dựng kịch bản”, nam đạo diễn nhận thấy nhiều bạn xây dựng kịch bản, khai thác những đề tài mà các bạn nghĩ là hấp dẫn như đánh nhau, bạo lực, thậm chí là cái chết, tự vẫn.

Theo anh Dũng, khó khăn lúc này là hướng các bạn quay trở lại với văn hóa lành mạnh, về những bộ phim hướng thiện, có cảm xúc đẹp hơn. Để làm được điều đó, trại hè điện ảnh không chỉ dạy các em về điện ảnh, đó còn là nơi để các em được trao đổi kiến thức, bổ sung kỹ năng sống.

Anh Dũng lấy ví dụ nhiều bạn nhút nhát, ít nói, thông qua các hoạt động tại trại hè điện ảnh, dần dần, các bạn mở lòng mở lòng hơn. Một số bạn còn tự giác làm việc, dọn dẹp phòng khi hết giờ.

Với những bạn quá tinh nghịch, nam giảng viên khuyến khích thực hành vẽ, viết, hay đóng một vai diễn thể hiện sự nghịch ngợm, đúng với lứa tuổi.

“Thế giới của các bạn nhỏ rất rộng lớn. Khi đến đây, chúng mình không hình thành khuôn khổ dạy học nhất định mà để các em tự tiếp xúc, cảm nhận thông qua các trải nghiệm”, anh Dũng nói.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.