Hen phế quản có nguy hiểm không?

Admin

Tôi thở khò khè, bác sĩ chẩn đoán hen phế quản. Bệnh này có nguy hiểm không, điều trị ra sao? (Mai Hoa, Long An)

Trả lời:

Hen phế quản (hen suyễn) là bệnh lý đường hô hấp mạn tính, làm cho đường thở bị thu hẹp, phù nề và tiết chất nhầy dẫn đến ho, khò khè, khó thở, tức ngực... Do sự co thắt phế quản không cố định và có thể hồi phục nên triệu chứng bệnh thay đổi theo từng đợt bệnh, nhất là vào thời điểm giao mùa, ban đêm, sáng sớm.

Mỗi loại hen phế quản có nguyên nhân, cách điều trị khác nhau. Các dạng thường gặp như hen phế quản dị ứng, không liên quan dị ứng, dạng ho, hen phế quản khởi phát muộn... Bệnh thường tái lại nhiều lần, không thể chữa khỏi hoàn toàn, có thể kiểm soát triệu chứng nếu phát hiện, điều trị kịp thời.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp như chụp X-quang phổi, chụp CT lồng ngực 1975 lát cắt hoặc 768 lát cắt, đo phế dung, đo lưu lượng đỉnh (PEF), đo nồng độ NO (Nitric oxide) trong hơi thở ra. Người bệnh cũng có thể xét nghiệm máu, dị ứng qua da hoặc định lượng nồng độ immunoglobulin E (lgE) toàn phần...

Tùy mức độ dạng hen phế quản của người bệnh, bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp với từng người, từ đó làm chậm tốc độ suy giảm chức năng hô hấp, ngăn ngừa các đợt cấp, giảm nguy cơ biến chứng. Người bệnh có nguy cơ nhiễm khuẩn phế quản, tràn khí màng phổi, tổn thương nhu mô phổi, suy hô hấp cấp tính nếu không chữa trị kịp thời. Người bệnh lâu ngày tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh, loãng xương, hội chứng Cushing, biến dạng lồng ngực, suy hô hấp mạn tính, suy tim.

Bạn nên đi khám và dùng thuốc điều trị hen phế quản theo chỉ định của bác sĩ. Nếu nghi ngờ xuất hiện cơn hen cấp như khó thở, thở khò khè, ho hay tức ngực, người bệnh cần sử dụng thuốc giãn phế quản được chỉ định để cắt cơn khó thở cấp. Người bệnh ngồi nghỉ ở chỗ thoáng mát, tránh xa ồn ào. Nếu sau 1-2 lần sử dụng thuốc mà không giảm khó thở nên nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Chụp CT lồng ngực hỗ trợ chẩn đoán bác sĩ chẩn đoán hen phế quản. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Chụp CT lồng ngực hỗ trợ chẩn đoán bác sĩ chẩn đoán hen phế quản. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Người bệnh nên tái khám định kỳ, tổng quát theo hẹn của bác sĩ để được đánh giá tình trạng bệnh hiện tại, tiêm ngừa vaccine theo khuyến cáo. Theo khuyến cáo của các hiệp hội y khoa trên thế giới và Việt Nam, người mắc bệnh mạn tính, gồm bệnh hen phế quản nên được tiêm ngừa vaccine cúm mùa, Covid-19, viêm phổi, RSV...

Môi trường sống, yếu tố dị ứng có thể khởi phát cơn khò khè khó thở cấp. Gia đình cần giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đi ra ngoài nên đeo khẩu trang che miệng, mũi để giảm nguy cơ nhiễm virus gây bệnh hô hấp. Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, không ăn thực phẩm có tiền sử dị ứng.

TS.BS Chu Thị Hà
Đơn vị Nội Tổng hợp
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp