PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hệ tiêu hóa có nhiệm vụ chuyển hóa và hấp thu nhiều chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động của não, hô hấp, nuôi sống cơ thể. Nếu hệ thống này bị tổn thương, mắc bệnh hoặc rối loạn, sức khỏe tổng thể sẽ suy giảm.
Bác sĩ lấy ví dụ về hệ vi sinh đường ruột - một thành phần của hệ tiêu hóa. Nếu cộng đồng này ổn định, cân bằng, cơ thể ít gặp những bệnh lý như tiêu chảy, viêm ruột, rối loạn chức năng ở ruột, hội chứng ruột kích thích. Trường hợp hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng, trẻ không thể hấp thu dinh dưỡng dẫn tới gầy gò, ốm yếu hoặc rối loạn chuyển hóa dẫn tới tiểu đường, cao huyết áp, béo phì.
Đường ruột cũng được chứng minh có liên quan mật thiết với sức khỏe não, gọi là "trục não ruột". Nếu đường ruột bị ốm, não không có năng lượng để hoạt động, giảm sản xuất chất dẫn truyền thần kinh như serotonin. Đây là loại hormone tạo cảm giác hạnh phúc, chống trầm cảm, lo lắng.
Do đó, trẻ em cần hệ tiêu hóa khỏe mạnh nhằm phát triển cơ thể, trí não và trí tuệ. Tuy nhiên, việc này rất khó thực hiện ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội chưa tốt. Từng tham gia các đoàn y tế dự phòng và đến vùng sâu, vùng xa, bác sĩ Dũng nhận xét nhiều trẻ chưa được quan tâm, chăm sóc sức khỏe từ vấn đề cơ bản nhất là "nhà vệ sinh". Nhiều đơn vị chỉ đủ nguồn lực xây dựng một mái trường để trẻ đi học, nhà vệ sinh thường xây sau cùng hoặc bị bỏ qua.
Thực tế, theo dự án Vệ sinh học đường, nhiều nhà vệ sinh của trường học vùng cao xuống cấp, hư hỏng, quá hạn sử dụng. Như tại Tam Đường (Lai Châu), dự án khảo sát 10 điểm trường đều thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh xuống cấp, đổ nát nguy hiểm. Còn ở Mù Cang Chải (Yên Bái), nhiều nhà vệ sinh quá tải, không đảm bảo an toàn, một số công trình còn tạm bợ, quây tôn, diện tích nhỏ hẹp. Trẻ thực hành vệ sinh kém dẫn tới tăng nguy cơ mắc bệnh đường ruột, tiêu chảy...
Bác sĩ Dũng nhận định điều kiện vệ sinh kém sẽ dẫn tới vòng bệnh lý luẩn quẩn, với trung tâm là suy dinh dưỡng. Ông phân tích bệnh đường tiêu hóa gây rối loạn hấp thu, có thể khiến bệnh nhi thiếu toàn bộ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Từ đây, trẻ bị suy dinh dưỡng, tăng nguy cơ mắc rất nhiều bệnh, đặc biệt bệnh nhiễm trùng như viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai, nhiễm trùng tiêu hóa... Bệnh khiến trẻ tiếp tục chán ăn và hấp thu kém, nuôi dưỡng kém.
Vì vậy, để giữ sức khỏe tiêu hóa của trẻ em, bác sĩ cho rằng cần cân nhắc nhiều khía cạnh. Đầu tiên, nhà trường cần có nhà vệ sinh sạch, xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế và nguồn lực. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo trẻ khỏe mạnh, duy trì học tập. Sau đó, nhà trường cần có tiêu chuẩn về điều kiện vệ sinh của khu vực đó như khép kín, có hệ thống tự hoại, không có nước ứ đọng, nước bẩn, được làm sạch định kỳ ngày 2 đến 3 lần ở các bề mặt như vòi nước, tay nắm cửa để hạn chế mầm bệnh; đủ số lượng nhà vệ sinh để đảm bảo giải quyết nhu cầu của học sinh tại trường.
Tại gia đình, trẻ cần được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ. Bữa ăn hàng ngày nên có đủ ba nhóm chất đạm, béo, đường, tiếp theo bổ sung vitamin và chất khoáng. Khi trẻ có đủ dinh dưỡng, hệ vi sinh đường ruột được cân bằng, tăng sức khỏe toàn cơ thể.
Gia đình đủ điều kiện kinh tế, có thể cho trẻ sử dụng thêm men vi sinh để cân bằng hệ vi sinh đường ruột, bên cạnh dinh dưỡng cân bằng. Men vi sinh cũng có thể sử dụng sau khi trẻ ốm, điều trị kháng sinh.
Bước tiếp theo, trẻ cần được tạo thói quen phòng bệnh, đặc biệt chú ý tránh bệnh đường tiêu hóa, với các hành động như: rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn; không chạm tay lên mắt, mũi, miệng; không ăn bốc hoặc ngậm đồ chơi trong miệng.
Văn Hà
Với mong muốn trẻ em vùng cao có điều kiện đảm bảo sức khỏe để học tập, quỹ Hy vọng với sự đồng hành của nhãn hàng men ống vi sinh Enterogermina tiếp tục thực hiện dự án Vệ sinh học đường tại Tam Đường (Lai Châu) và Mù Căng Chải (Yên Bái) năm 2024. Dự án đặt mục tiêu khánh thành 20 nhà vệ sinh đạt chuẩn vào đầu tháng 9, phục vụ 8.500 học sinh, giáo viên. Để chung tay cùng dự án, độc giả tìm hiểu tại đây.