Hàng trăm polyp đại tràng hóa ác tính

Admin

TP HCMAnh Vũ, 37 tuổi, đi tiêu lỏng, bác sĩ nội soi phát hiện hàng trăm polyp bám vào đại tràng, chỉ định cắt toàn bộ cơ quan này để triệt căn ung thư.

"Trường hợp anh Vũ ít gặp vì polyp quá nhiều, bám chặt và dày đặc trong thành đại tràng", BS.CKII Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, nói hôm 29/9.

Bác sĩ nội soi phát hiện nhiều polyp với kích thước khác nhau, trong đó nhiều polyp lớn hơn 2 cm, cấu trúc bất thường, có chân rộng, không cuống. Ngoài một vài polyp được cắt để sinh thiết, người bệnh vẫn còn hàng trăm polyp đa dạng kích thước ở lòng đại tràng, trực tràng.

Kết quả sinh thiết polyp đại tràng cho thấy người bệnh bị ung thư biểu mô tuyến xâm lấn độ hai (xâm lấn đến lớp hạ niêm mạc), chưa xâm lấn mạch và thần kinh. Phân loại polyp hóa ung thư giai đoạn một. Anh Vũ cần được phẫu thuật sớm ngăn biến chứng tắc ruột, chảy máu và di căn, vì đa polyp đã chuyển biến thành ung thư.

Người bệnh được phẫu thuật nội soi, cắt toàn bộ đại tràng, đồng thời cắt bỏ các polyp ở trực tràng. Trong quá trình mổ, bác sĩ nhận thấy đoạn dưới trực tràng có nhiều polyp. Tuy nhiên, nếu cắt hết trực tràng có thể gây rối loạn đại tiện, khiến người bệnh đi tiêu nhiều lần trong ngày, ảnh hưởng tới chất lượng sống. Do đó, bác sĩ cắt polyp ở trực tràng thấp qua ngả hậu môn. Bác sĩ nối hồi tràng với đại tràng chậu hông, kết thúc ca mổ.

Hậu phẫu, bệnh nhân hồi phục tốt, có thể đi lại, ăn uống sau hai ngày phẫu thuật và xuất viện sau 5 ngày. Anh Vũ sẽ được nội soi cắt những polyp còn sót lại, đồng thời nội soi định kỳ mỗi 6-12 tháng để kịp thời phát hiện polyp mới nếu có.

Anh Vũ được điều dưỡng chăm sóc sau khi phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Anh Vũ được điều dưỡng chăm sóc sau khi phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Hiện chưa xác định nguyên nhân đa polyp đại - trực tràng. Các yếu tố làm tăng nguy cơ như di truyền, đột biến gene làm tế bào phát triển không bình thường tạo thành polyp. Chế độ dinh dưỡng mất cân đối, ăn nhiều thịt đỏ), ít vận động, ăn ít chất xơ, người béo phì, nghiện thuốc lá, viêm đại tràng mạn tính... cũng làm tăng khả năng mắc bệnh.

Polyp đại tràng có hai loại cơ bản, polyp tăng sản lành tính và polyp tuyến. Trong đó, polyp tuyến có nguy cơ cao phát triển thành ung thư. Theo bác sĩ Thái, ước tính có đến 90% các u đại trực tràng phát sinh từ các polyp tuyến. Tuy nhiên, bệnh khó phát hiện vì phần lớn người bệnh không triệu chứng, nếu có thường mờ nhạt.

Để phát hiện sớm polyp đại trực tràng, người trên 45 tuổi nên tầm soát polyp và ung thư đại tràng. Người có nguy cơ cao như có người thân bị ung thư đại - trực tràng hay polyp tiến triển dưới 60 tuổi, nên tầm soát trước 40 tuổi. Nếu có triệu chứng bất thường như rối loạn tiêu hóa kéo dài, thay đổi thói quen đi tiêu, mệt mỏi, giảm cân bất thường... nên khám sớm.

Bác sĩ Thái cho biết ung thư đại trực tràng có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Hiện, hệ máy móc nội soi hiện đại, với công nghệ 4K sắc nét, độ phóng đại gấp hàng trăm lần, nguồn ánh sáng giúp phát hiện polyp, ung thư, viêm loét đường tiêu hóa từ giai đoạn sớm. Máy còn tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp cảnh báo polyp hoặc ung thư ngay khi nội soi, kể cả những sang thương nhỏ, phẳng dễ bị bỏ sót.

Quyên Phan

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp