Hàng trăm nghìn smartphone xách tay không dùng được 5G ở Việt Nam

Admin

Khoảng 600.000 thiết bị xách tay, phần lớn là điện thoại, có phần cứng 5G nhưng chỉ dùng được 4G tại Việt Nam.

Đây là một trong những thách thức khi triển khai mạng 5G tại Việt Nam, theo ông Hoàng Đức Thanh, Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật toàn cầu - Viettel Network. Đơn vị này ước tính hiện có khoảng 15% thiết bị đầu cuối dành cho người dùng hỗ trợ 5G, trong số đó 85-90% tập trung ở khu vực thành thị.

Ông Hoàng Đức Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật toàn cầu Viettel Network chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Chí Hiếu

Ông Hoàng Đức Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật toàn cầu Viettel Network chia sẻ tại sự kiện 5G ngày 23/10. Ảnh: Chí Hiếu

Ngoài ra, chuyên gia cảnh báo đa số thiết bị đầu cuối 5G được nhập về Việt Nam theo đường xách tay là smartphone. Thống kê trong mạng lưới Viettel cho thấy khoảng 600.000 máy thuộc dạng này không sử dụng được 5G trong nước do bị "khóa công nghệ", dù được trang bị phần cứng 5G.

Để tránh mua nhầm, người dùng cần tìm hiểu, kiểm tra bằng cách xem thông tin về 5G trên vỏ máy hoặc trong phần hướng dẫn sử dụng, website của hãng. Ngoài ra, phần cài đặt cần hiển thị lựa chọn mạng 5G.

Tại Việt Nam, thiết bị chính hãng hỗ trợ 5G có thể kể đến iPhone 12 trở đi, Galaxy S23, S24, Galaxy Z Flip, Z Fold về sau, hay Oppo Reno 12 5G, Xiaomi 14 Series... Một số thiết bị mới ra của Sony như Xperia 1 Mark VI, 10 Mark VI không dùng được 5G, dù thế hệ trước có hỗ trợ.

Phần cài đặt của một chiếc Xperia 1 Mark VI không có tùy chọn kết nối 5G. Ảnh: Hoài Anh

Phần cài đặt của một chiếc Xperia 1 Mark VI không có tùy chọn kết nối 5G. Ảnh: Hoài Anh

Việc phổ cập thiết bị đầu cuối là một trong những cách giúp mạng 5G tại Việt Nam có thể mở rộng, theo nhà phân tích Affandy Johan của Ookla, công ty phát triển công cụ Speedtest.

"Khả năng chi trả và sự sẵn có của smartphone hỗ trợ 5G là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng thuê bao. Khuyến khích người dùng nâng cấp thiết bị 5G là bước đầu tiên cần làm trước khi cung cấp dịch vụ cũng như gia tăng hiệu suất mạng 5G", ông Johan nói với VnExpress.

Đại diện Viettel cũng khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi phủ sóng 5G, tuy nhiên ưu tiên trước ở những nơi có nhu cầu lớn, lượng người sử dụng nhiều mà mạng 4G chưa thể đáp ứng.

Theo ông Hoàng Đức Thanh, chi phí đầu tư một trạm 5G có thể gấp 4-5 lần so với 4G và cần nhiều thời gian triển khai. Điều này do 5G sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, nhiều ăng-ten thu phát hơn, kéo theo kích thước, khối lượng thiết bị lớn, có thể hơn 1,5-2 lần so với trạm 4G. Đồng thời, trạm cũng dùng điện ba pha, với điện năng tiêu thụ gấp ba lần thế hệ cũ.

"Triển khai phủ sóng 5G diện rộng, đặc biệt ở khu vực nông thôn sẽ không hiệu quả lúc này", ông Thanh nói.

Trong lễ khai trương ngày 15/10, nhà mạng cho biết đã có 6.500 trạm 5G, bao gồm cả công nghệ NSA (5G kết hợp 4G) và 5G SA (độc lập). Các trạm có mặt ở cả 63 tỉnh thành trên cả nước, nhưng tập trung ở Hà Nội, TP HCM và thủ phủ các địa phương.

Những khu vực có sóng 5G tại Việt Nam

Lưu Quý