Chị Hương, anh Khóa bắt đầu hành trình tìm con năm 2003, sau thời gian dài kết hôn mà không có thai. Đi khám, chị được chẩn đoán suy buồng trứng sớm, tức chức năng của buồng trứng ngừng hoạt động và sản xuất trứng. Lúc này, người phụ nữ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe do rối loạn nội tiết tố, cản trở khả năng sinh sản, khó mang thai tự nhiên.
Lo lắng, hai vợ chồng chị Hương chạy chữa thuốc nam, thuốc bắc khắp nơi nhưng không có kết quả. Quyết định tìm đến y học hiện đại, vợ chồng chị đã chi nhiều tiền làm thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) theo chỉ định của bác sĩ ở nhiều nơi khác nhau song đều thất bại. Tuyệt vọng, chị Hương nhiều lần viết đơn ly hôn để chồng có cơ hội tìm kiếm hạnh phúc mới, song anh Khóa âm thầm cất đơn, tiếp tục đồng hành với vợ.
Năm 2023, với số tiền dành dụm còn lại, vợ chồng chị đến Bệnh viện Đa khoa Phương Đông quyết tâm tìm con thêm "một lần cuối". "Tôi coi đây là cơ hội cuối cùng để tìm con, kết quả có ra sao cũng hoan hỷ đón nhận", chị Hương nói.
Kết quả kiểm tra dự trữ buồng trứng của chị gần như về 0 do tuổi cao và suy buồng trứng nặng. Ths.Bs Lê Vũ Hải Duy, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, đánh giá đây là ca bệnh khó khi người vợ mắc suy buồng trứng sớm, đang ở giai đoạn tiền mãn kinh nên số lượng trứng gần về 0. Thêm một thách thức nữa là niêm mạc của bệnh nhân khá mỏng, khả năng đáp ứng phác đồ rất khó.
Các bác sĩ kích thích buồng trứng để thu được nang noãn trưởng thành, tạo được hai phôi, sau đó chuyển phôi cùng lúc. "Kỳ tích xuất hiện, chị Hương đậu một thai ngay lần đầu chuyển", bác sĩ Duy nói, thêm rằng với tiền sử từng IUI, IVF thất bại nhiều lần, cùng thực tế quá trình điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ cũng không dám kỳ vọng. Giữa năm nay, chị Hương sinh bé gái 3 kg khỏe mạnh.
Chức năng buồng trứng suy giảm khi phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh, 45-55 tuổi. Nếu tình trạng này xảy ra trước tuổi 40 được xem là suy buồng trứng sớm. Ước tính có khoảng 90% trường hợp suy buồng trứng sớm không xác định được nguyên nhân. Một số nghiên cứu cho rằng tình trạng này có thể liên quan đến biến dị của nhiễm sắc thể, di truyền; ảnh hưởng của can thiệp buồng trứng, vòi trứng; hoặc mắc các bệnh lý khác...
Hiện chưa có phương pháp điều trị tình trạng suy buồng trứng, khôi phục hoạt động bình thường của buồng trứng. Nếu nữ giới có nhu cầu sinh con, bác sĩ tư vấn sử dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản như IVF.
Bác sĩ khuyến cáo, để giảm tỷ lệ điều trị hiếm muộn thất bại, vợ chồng sau kết hôn sau một năm mà chưa có con (6 tháng với phụ nữ ngoài 35 tuổi) nên đi khám toàn diện sức khỏe sinh sản, điều trị sớm. Phụ nữ trẻ tuổi, đã kết hôn hoặc chưa, khi thấy dấu hiệu chu kỳ kinh nguyệt thưa thớt, hoặc triệu chứng bất thường ở hệ thống cơ quan sinh sản, nên đi khám và có biện pháp dự phòng nếu cần thiết. Điển hình là trữ noãn bảo tồn khả năng sinh sản trước khi noãn cạn kiệt.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo vô sinh và hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ 3, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ 21. Còn tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng hơn một triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%, theo Bộ Y tế.
Lê Nga