Thông tin được TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết sáng 7/5, nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm ghép phổi của bệnh viện. Đáng chú ý, chỉ trong một tuần của tháng 4, nơi này liên tiếp thực hiện thành công hai ca ghép phổi, nâng tổng số ca ghép tại đơn vị lên 6, chiếm gần 50% số ca trên cả nước.
Ca đầu tiên là bệnh nhân nữ 54 tuổi ở Hà Nội, nhận phổi của người cho chết não tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM). Người phụ nữ mắc bệnh phổi giai đoạn cuối, không đáp ứng điều trị nội khoa, thở oxy tại nhà 6 tiếng mỗi ngày, nguy cơ tử vong rất cao.
Đêm 11/4, ê kíp của Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện E đã đến TP HCM để lấy tạng. Đây cũng là ca ghép phổi xuyên Việt đầu tiên tại nước ta. Sau 6 tiếng vận chuyển, lá phổi từ nam bệnh nhân 38 tuổi được ghép cho nữ bệnh nhân nói trên. Sau ghép, sức khỏe người phụ nữ tiến triển khả quan, các chỉ số dần ổn định.

Các bác sĩ ghép phổi cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trường hợp thứ hai là nữ bệnh nhân 37 tuổi, quê Thanh Hóa, nhận phổi từ nam thanh niên 35 tuổi chết não tại Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 18/4, ca ghép được thực hiện. 8 giờ sau phẫu thuật, bệnh nhân được rút ống nội khí quản và tự thở bằng hai lá phổi mới. Một tuần sau, chị có thể thở như người bình thường. Trước đó, người bệnh mắc u cơ trơn bạch huyết, thường xuyên khó thở, sụt cân nhanh, buộc phải thở oxy 14-16 tiếng mỗi ngày, chất lượng sống giảm sút, nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.
"Đây cũng là kỳ tích đặc biệt trong phẫu thuật ghép phổi, sự thành công tương đương với tiêu chuẩn y khoa tại các nước phát triển trên thế giới", tiến sĩ Lượng nhận định.
Cả hai bệnh nhân trên đều được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ trước và chờ ghép từ vài tháng nay. Ngay khi có thông tin từ người hiến tạng chết não, bệnh viện lập tức tổ chức hội chẩn, nhanh chóng điều phối, huy động sức mạnh tổng lực từ các chuyên gia đầu ngành của tất cả lĩnh vực tham gia vào các ca ghép phổi.
"Mỗi ca ghép phổi đều là những thử thách lớn của y học, ghi nhận những tiến bộ vượt bậc trong lịch sử ghép tạng của ngành y tế", ông Lượng nói, thêm rằng với nguồn bệnh nhân chờ ghép có sẵn, bệnh viện sẵn sàng thực hiện ghép phổi khi có nguồn cho tạng tiềm năng.
Ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả bộ phận. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 5.000 ca ghép phổi, chủ yếu từ người cho chết não, trong đó tại Mỹ có khoảng 2.500 ca. Việt Nam hiện có khoảng 1.000 ca có chỉ định ghép phổi nhưng đang thiếu nguồn tạng hiến.
Dịp này, bệnh viện cũng kỷ niệm 116 năm ngày sinh Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Cố Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên và cũng là người Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống lao Trung ương – tiền thân của Bệnh viện Phổi Trung ương ngày nay.
Lê Nga