Học sinh cần biết phân bổ thời gian làm bài hợp lý. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thầy Trình Đạt, giáo viên môn Tiếng Anh tại Hà Nội, chia sẻ với Tri thức trực tuyến những sai lầm của học sinh khi ôn thi, làm bài và cách để khắc phục điều đó.
Luyện đề không chọn lọc sẽ phản tác dụng
Theo thầy Đạt, khó khăn lớn nhất của nhiều học sinh khi ôn thi môn Tiếng Anh là kiến thức của môn này có độ bao phủ rất lớn trong 50 câu.
Ngoài kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, học sinh sẽ cần luyện rất nhiều dạng bài khác nhau trong đề thi. Điều này khiến nhiều em không tránh khỏi tình trạng hôm nay ôn, ngày mai quên nên phải mất thời gian ôn tập lại từ đầu.
Một vấn đề nữa học sinh thường mắc phải khi ôn thi là luyện đề nhiều nhưng luyện sai cách và không có chọn lọc. Luyện đề khi học tiếng Anh là một điều tốt vì có thể giúp học sinh rèn được kỹ năng làm bài, nhưng chỉ làm đề thôi là chưa đủ.
Nếu học sinh chỉ luyện đề và chỉ quan tâm điểm số, không xem lại bài làm của mình, các em sẽ không thể tiến bộ được. Thầy Đạt nói rằng điều quan trọng nhất khi luyện đề là xem lại câu hỏi, phân tích bài làm, từ đó rút ra những phần mình làm chưa tốt để rút kinh nghiệm và cải thiện thêm.
Nhiều học sinh luyện đề nhưng không biết chọn lọc loại đề phù hợp. Ảnh minh họa: Pexels. |
Một điều nữa học sinh cần lưu ý là luyện đề phải có sự chọn lọc phù hợp. Thầy Đạt nhận thấy thị trường hiện nay có quá nhiều đầu sách và tài liệu, nhưng không phải tất cả tài liệu đều phù hợp, thậm chí nhiều bộ tài liệu trên mạng chỉ là "xào nấu" từ nhiều nguồn.
Vì thế, theo thầy Đạt, học sinh nên luyện đề thi chính thức môn Tiếng Anh của các kỳ thi năm trước, đặc biệt phải theo dõi cấu trúc đề minh họa của từng năm để nắm được trọng tâm ôn tập.
Ôn tập theo phương pháp lặp lại ngắt quãng
Trong giai đoạn ôn thi nước rút như hiện tại, học sinh nên làm đề kết hợp với việc học thêm các cấu trúc, từ vựng mới và ôn lại những chủ đề cũ theo hình thức cuốn chiếu.
Khi ôn từ vựng, thầy Đạt khuyên học sinh nên học theo phương pháp lặp lại ngắt quãng (spaced repetition). Cụ thể, khi học một từ vựng hoặc học một lượng kiến thức nhất định, học sinh nên luyện tập lại ngay sau khi học, học lại sau 3 giờ, sau một ngày, sau 3 ngày, sau một tuần, một tháng...
Khi luyện tập theo phương pháp này, học sinh có thể ứng dụng nhiều công cụ như phần mềm bổ trợ hoặc flashcard. Ngoài ra, thầy Đạt tin rằng việc liên tưởng cảm xúc khi học từng vựng cũng là cách để hiểu và nhớ từ lâu hơn.
Nói thêm về những lỗi sai của học sinh dễ mắc phải khi làm đề thi môn Tiếng Anh, thầy Đạt nhận thấy nhiều em không biết phân bổ thời gian và thứ tự làm bài, dẫn đến việc gần hết giờ vẫn còn nhiều câu bỏ trống nên phải "khoanh lụi".
Do đó, khi vào phòng thi, học sinh nên mang theo đồng hồ và phân bổ thời gian hợp lý. Trước tiên, các em cần dành 1-2 phút để đọc qua toàn bộ đề bài.
20-25 phút tiếp theo, học sinh làm những câu hỏi nhận biết, vận dụng cơ bản. Thông thường, những câu này học sinh học lực trung bình khá trở lên chỉ mất khoảng 30-45 giây để làm.
Khi thời gian làm bài đã qua 1/2, học sinh nên làm đến phần bài đọc, phần đồng nghĩa trái nghĩa. Thầy Đạt nói những phần này chiếm hơn 20 câu nên học sinh cần đầu tư thêm thời gian để kịp hoàn thành các câu hỏi.
5-7 phút còn lại là thời gian để học sinh rà soát những câu chưa khoanh. Lúc này, các em cần đẩy nhanh tốc độ, áp dụng phương pháp loại trừ để chọn đáp án nếu còn phân vân.Thầy Đạt lưu ý thêm học sinh nên làm hết đề, không nên bỏ sót dù chỉ một câu.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.