Giám đốc FPT Semiconductor: “Tham vọng của chúng tôi là trở thành công ty thiết kế chip số một tại Đông Nam Á”

Admin

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor tại diễn đàn “Phát triển lĩnh vực thiết kế và đóng gói, kiểm thử vi mạch tại Đông Nam Á” được tổ chức mới đây.

Sáng ngày 8/11/2024, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Hiệp hội bán dẫn Semi, UBND TP. Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) tổ chức thành công Diễn đàn “Phát triển lĩnh vực thiết kế và đóng gói, kiểm thử vi mạch tại Đông Nam Á”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành một trong những động lực chính cho sự phát triển kinh tế và công nghệ của Việt Nam. Việt Nam đang tập trung phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, tập trung vào lĩnh vực thiết kế vi mạch và đóng gói, kiểm thử.

Giám đốc FPT Semiconductor: “Tham vọng của chúng tôi là trở thành công ty thiết kế chip số một tại Đông Nam Á”- Ảnh 1.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC)

Cụ thể đến năm 2030, Việt Nam hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, và có 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, đào tạo tổng cộng 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35.000 kỹ sư cho các khâu sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các lĩnh vực liên quan khác.

Để có thể phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn tại Việt Nam, sự hỗ trợ từ địa phương cũng được xem là một yếu tố vô cùng quan trọng. Cũng tại Diễn đàn, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng đã trình bày về nỗ lực của chính quyền thành phố trong kiến tạo Trung tâm vi mạch, bán dẫn tại Đà Nẵng từ góc độ một địa phương.

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng, thành phố đã và đang triển khai 3 nhóm giải pháp, nhiệm vụ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm: Xây dựng các cơ sở chính trị, pháp lý tạo ra chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, hợp tác phát triển trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng chuẩn bị về quỹ đất, cơ sở hạ tầng các khu công nghệ thông tin tập trung, Công viên phần mềm, công nghệ cao để các doanh nghiệp triển khai dự án và hợp tác về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nhân lực và thu hút chuyên gia lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Viết tiếp giấc mơ đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu về chip

Lĩnh vực bán dẫn đã phát triển ở Việt Nam trong một khoảng thời gian tương đối dài. Gần 30 năm trước, Việt Nam đã có nhà máy bán dẫn đầu tiên mang tên Z181, hiện được gọi là Công ty Điện tử Sao Mai.

Đây là đơn vị đầu tiên và duy nhất được đầu tư dây chuyền công nghệ đồng bộ từ Nhật Bản và các nước Tây Âu để nghiên cứu và sản xuất vật liệu bán dẫn và linh kiện điện tử như transistor, điện trở, diode và các linh kiện khác phục vụ cho đài phát thanh và radar.

Thế nhưng, tới cuối những năm 1980 đầu những năm 1990 thế kỷ trước, do biến động chính trị thế giới khiến việc sản xuất, đóng gói chip vi mạch của nhà máy Z181 đã phải dừng lại.

“Chúng tôi muốn làm mới lại tham vọng và viết tiếp giấc mơ mà thế hệ cha ông đã từng làm”, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor chia sẻ tại diễn đàn.

Giám đốc FPT Semiconductor: “Tham vọng của chúng tôi là trở thành công ty thiết kế chip số một tại Đông Nam Á”- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor

Ông Quang cho biết, vào khoảng năm 2000, nhiều công ty sản xuất bán dẫn nước ngoài đã đến Việt Nam như NLC, Renesas, Microchip, Ampere… Bên cạnh đó, ICDREC là công ty nội địa đầu tiên làm thiết kế chip, hay còn được gọi là mạch tích hợp (integrated circuit - IC) .

Riêng đối với FPT,  Giám đốc FPT Semiconductor cho hay, công ty đã bắt đầu thiết kế IC từ năm 2014. Đến năm 2022, công ty FPT Semiconductor chính thức được thành lập.

“Hiện nay, Viettel và FPT là hai công ty Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế IC. Viettel tập trung vào 5G, còn chúng tôi tập trung vào PMIC (mạch tích hợp quản lý năng lượng)”, ông Quang phát biểu.

Giải thích lý do FPT lựa chọn PMIC và IC nguồn, lãnh đạo FPT Semiconductor cho biết, tất cả các thiết bị điện tử hiện nay đều cần nguồn điện, PMIC và IC nguồn. PMIC được ví như trái tim của một hệ thống, cung cấp năng lượng từ pin đến toàn bộ hệ thống, giống như tim bơm máu đi khắp cơ thể.

Trên thế giới, mọi người nói về các xu hướng như tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi tin rằng trong vài năm tới, khi 5G trở nên phổ biến, nhiều quốc gia sẽ áp dụng và thời đại IoT sẽ bùng nổ.

Theo ông Quang, thị trường này rất lớn, ước tính khoảng 1,3 nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó, sự đa dạng hóa chuỗi sản xuất thay vì phụ thuộc quá nhiều Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn, đặc biệt trong sản xuất các thiết bị điện tử.

“Tham vọng lớn của chúng tôi là trở thành công ty thiết kế IC số một tại Đông Nam Á.Không chỉ dừng lại ở PMIC, sắp tới sẽ là chip AI. Tập đoàn FPT đặt mục tiêu đào tạo 10.000 nhân sự cho ngành bán dẫn Việt Nam và thế giới”, ông Quang cho hay.

“Đây là sứ mệnh của chúng tôi, theo đuổi giấc mơ của thế hệ trước và trở thành công ty Việt Nam xuất khẩu chip ra toàn thế giới”, Giám đốc FPT Semiconductor nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đều nhận định rằng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt khi công nghệ toàn cầu ngày càng tiến bộ.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, có vị trí địa chính trị chiến lược, có lực lượng lao động trẻ dồi dào am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hiện đại, thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, tạo ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn.