"Giải phẫu" xe điện Trung Quốc, tại sao người Nhật đánh giá đây là "hãng dẫn đầu thế giới trong tương lai", vượt mặt cả Tesla

Admin

Cách đây 20 năm, chính Nikkei vẫn còn cho rằng công nghệ ô tô Trung Quốc đang tụt hậu 10 năm so với Nhật Bản, nhưng giờ đây họ buộc phải thừa nhận rằng, người Nhật đã bị Trung Quốc bỏ xa trong ngành xe điện.

Nhà xuất bản lớn nhất Nhật Bản, Nikkei BP mới đây đã mua một chiếc xe điện BYD Seal của hãng xe điện BYD Trung Quốc và mổ xẻ hoàn toàn chiếc xe để hiểu về quá trình giúp “nhà sản xuất Trung Quốc sẽ dẫn đầu ngành xe điện toàn cầu trong tương lai”. Không chỉ vậy, quá trình tháo dỡ và hướng dẫn lắp ráp toàn bộ chiếc xe còn được Nikkei BP in thành sách và xuất bản vào ngày 15 tháng 9 tới đây cùng với video hướng dẫn.

Với mức giá lên tới 6.340 USD mỗi bản (bao gồm cả video), chắc chắn xuất bản phẩm này không dành cho người dùng cá nhân mà hướng tới các công ty, các tổ chức nghiên cứu hoặc những bộ phận phát triển sản phẩm, chế tạo linh kiện, hướng dẫn sửa chữa nhiều hơn.

"Giải phẫu" xe điện Trung Quốc, tại sao người Nhật đánh giá đây là "hãng dẫn đầu thế giới trong tương lai", vượt mặt cả Tesla - Ảnh 1.

Sau khi mổ xẻ toàn bộ chiếc xe này, quyển sách đánh giá rất cao khả năng của hãng BYD và cho rằng công ty Trung Quốc này đã vượt mặt Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện số một thế giới. Không những thế BYD còn có thể trở thành tiêu chuẩn trên thế giới về thiết kế xe điện.

Đi trước các ông lớn trên thế giới về khả năng tích hợp hệ thống điện

Để đưa ra kết luận của mình, quyển sách cho thấy sự tỉ mỉ và chi tiết của các kỹ sư trong việc mổ xẻ chiếc xe điện của BYD. Được chia thành 6 phần, cuốn sách này đi sâu vào đánh giá chi tiết các thành phần bên trong xe điện BYD Seal bao gồm hệ thống truyền động, khung gầm xe, thân xe, nội thất, thiết bị điện tử, bộ điều khiển điện tử … Ngay cả các chi tiết như tấm lót mái và chắn bùn trước của chiếc xe cũng không được bỏ qua.

"Giải phẫu" xe điện Trung Quốc, tại sao người Nhật đánh giá đây là "hãng dẫn đầu thế giới trong tương lai", vượt mặt cả Tesla - Ảnh 2.

Xe điện BYD Seal, có giá khởi điểm gần 28.000 USD với khả năng di chuyển 550km trong mỗi lần sạc

Các tác giả cuốn sách cho biết, từ khởi đầu là một nhà sản xuất pin, BYD đã vươn lên trở thành một công ty tích hợp theo chiều dọc bên cạnh một nhà sản xuất ô tô, khi ra đời hàng loạt sản phẩm khác nhau từ khuôn mẫu cho đến ghế ngồi, bộ chuyển đổi năng lượng và các thiết bị điều khiển điện.

Ngoài ra cách BYD lựa chọn linh kiện cho chiếc xe của mình cũng rất đáng tham khảo. Ví dụ, việc tích hợp hệ thống thông tin của phương tiện lên kính chắn gió dù không phải mới nhưng điều đáng chú ý là các thông tin này vẫn hiển thị tốt ngay cả dưới điều kiện ánh sáng ban ngày.

"Giải phẫu" xe điện Trung Quốc, tại sao người Nhật đánh giá đây là "hãng dẫn đầu thế giới trong tương lai", vượt mặt cả Tesla - Ảnh 3.

Gần như mọi chi tiết đều được xem xét và đánh giá kỹ lưỡng

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh đến các trọng tâm kỹ thuật của chiếc xe, như thiết kế bộ khung gầm mới nhất của BYD, bộ nguồn tích hợp điện áp cao và các chức năng liên quan đến điều khiển động cơ xe điện, và CTB: Cell to Body (công nghệ tích hợp pin vào thân xe), … tất cả đều là các điểm nhấn đáng chú ý.

Không chỉ vậy, một điểm không thể bỏ qua trong việc cải thiện hiệu suất xe điện là thiết kế hệ thống quản lý nhiệt độ và tích hợp bộ điều khiển điện (ECU) vào hệ thống thân xe tập trung – tương tự như cách làm của Tesla.

Để làm điều này, BYD sử dụng bộ nguồn 8 trong 1, bao gồm bộ điều khiển động cơ, hệ thống quản lý pin, … bên cạnh việc lắp đặt một cấu trúc pin mới dạng phiến dẹt cùng một hệ thống quản lý nhiệt tích hợp. Một điều đáng kể khác là bộ điều khiển trung tâm cho các thiết bị điện trên xe cũng đang đi trước các hãng xe điện lớn hiện nay.

"Giải phẫu" xe điện Trung Quốc, tại sao người Nhật đánh giá đây là "hãng dẫn đầu thế giới trong tương lai", vượt mặt cả Tesla - Ảnh 4.

Cuối cùng những nhà nghiên cứu của Nikkei đã đi đến kết luận: BYD Seal không chỉ là chiếc xe điện dành cho một thị trường đơn lẻ nào đó, mà còn là một chiếc xe điện đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới.

Đi vị thế kẻ theo đuôi, giờ đây đã trở thành người dẫn đầu

Đây không phải lần đầu Nikkei mổ xẻ những chiếc xe điện. Trước đây họ đã làm điều tương tự với những chiếc xe điện nổi tiếng, bao gồm Tesla Model 3, Model S, Nissan Leaf và Volkswagen ID.3. Trong phần kết luận của mình khi phân tích chiếc xe điện của Tesla, Nikkei cho rằng hãng xe điện Mỹ đã đi trước các đối thủ Toyota và Volkswagen ít nhất 6 năm.

Thế nhưng đây là lần đầu tiên họ mổ xẻ và phân tích một chiếc xe điện Trung Quốc và cũng là lần đầu tiên họ đánh giá một chiếc xe cao đến thế. Điều này cho thấy mức độ tiến bộ về công nghệ năng lượng mới của Trung Quốc đã giúp họ có được chỗ đứng trên trường quốc tế.

"Giải phẫu" xe điện Trung Quốc, tại sao người Nhật đánh giá đây là "hãng dẫn đầu thế giới trong tương lai", vượt mặt cả Tesla - Ảnh 5.

Chiếc xe HongGuang Wuling Mini EV cũng từng được các nhà nghiên cứu Nhật Bản mổ xẻ để đánh giá.

Điều đáng nói hơn cả là cách đây 20 năm, cũng chính Nikkei BP đã xuất bản một bài báo với tựa đề “Liệu ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản có bị Trung Quốc vượt qua?” Khi đó bài báo đánh giá rằng khoảng cách công nghệ ô tô giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang là 10 năm.

Thời điểm đó, hãng BYD còn đang làm nhái chiếc Toyota Corolla để làm chiếc xe xăng đầu tiên của mình và hãng Great Wall vừa mới ra mắt chiếc Haval H6 “Wolf Pack” với kiểu dáng tương tự Honda C-RV. Nhưng giờ đây mọi thứ đang đổi thay nhanh chóng.

Nikkei BP không phải đơn vị duy nhất mổ xẻ những chiếc xe điện Trung Quốc để tìm hiểu đối thủ. Trước đó, cựu giáo sư Đại học Nagoya, ông Masayoshi Yamamoto cũng đã mổ xẻ chiếc HongGuang Wuling Mini EV, xe điện bán chạy nhất thế giới vào lúc đó. Ông thật sự kinh ngạc về khả năng kiểm soát chi phí chặt chẽ nhưng vẫn duy trì được sự chính xác trong thiết kế và lắp ráp.

Theo ước tính của ông Yamamoto, chi phí các thành phần của Mini EV chỉ khoảng 27.000 Nhân dân tệ (khoảng 90 triệu VNĐ) chưa kể chi phí tiếp thị và vận chuyển, chỉ bằng 1/3 giá của chiếc Toyota C+ Pods, chiếc xe điện mini giá rẻ của Toyota. Ông cũng khẳng định rằng, với chuỗi cung ứng hiện tại của Nhật Bản, việc tạo ra một chiếc xe giá rẻ như Wuling Mini EV là điều không thể.