Giá thép xây dựng trong nước giảm lần thứ 10 liên tiếp

Admin

Trung Quốc liên tục đẩy mạnh xả kho khiến giá thép xuất khẩu xuống dưới 1000 USD/tấn, theo đó áp lực lên ngành thép Việt Nam ngày càng lớn.

Ngày 15/6, một số doanh nghiệp sản xuất thép hạ 100.000 – 270.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240, xuống khoảng 13,94 – 14,82 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp giữ nguyên mức giá đối với thép vằn thanh CB300 so với đợt điều chỉnh gần nhất (12/6).

Cụ thể, theo số liệu của Steelonline, thương hiệu Thép Hòa Phát tại miền Bắc giảm thêm 200.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240, xuống 14,29 triệu đồng/tấn; dòng thép thanh CB300 vẫn được giữ ở mức giá 14,69 triệu đồng/tấn.

Tại miền Trung, thép Hòa Phát giảm 100.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, về mức giá 14,04 triệu đồng/tấn.

Tại miền Nam, Thép Hòa Phát giảm 200.000 đồng/tấn đối với thép cuộn, giá xuống 14,31 triệu đồng/tấn.

Giá thép xây dựng trong nước giảm lần thứ 10 liên tiếp - Ảnh 1.

Cùng xu hướng, Thép Việt Ý tại miền Bắc giảm 280.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 về mức giá 13,94 triệu đồng/tấn; thép CB300 giữ nguyên ở mức giá 14,39 triệu đồng/tấn.

Sản phẩm thép cuộn CB240 của thép Việt Đức tại miền Bắc cũng được điều chỉnh giảm 200.000 đồng/tấn, về mức giá 14,04 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép miền Nam cũng điều chỉnh giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 xuống còn 14,82 triệu đồng/tấn và giữ nguyên giá mặt hàng thép thanh CB300 với 15,02 triệu đồng/tấn.

Riêng với thép Tung Ho, giá thép cuộn CB240 đã tăng 270.000 đồng/tấn lên 14,68 triệu đồng/tấn và thép CB300 tăng 250.000 đồng/tấn lên 14,54 triệu đồng/tấn trong ngày 13-14/6.

Tuy nhiên vào ngày 15/6, doanh nghiệp này lại nhanh chóng điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn với thép CB240 xuống còn 14,37 triệu đồng/tấn. Còn thép CB300 vẫn giữ nguyên mức giá 14,52 triệu đồng/tấn.

Một số thương hiệu như thép Việt Nhật, Pomina, thép Thái Nguyên… chưa có động thái điều chỉnh giá thép CB240.

Tính từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng đã có 10 đợt điều chỉnh giảm liên tiếp, mặt hàng CB240 rớt xuống mốc gần 14 triệu đồng/tấn.

Trong bối cảnh nhu cầu nội địa suy yếu do thị trường bất động sản ảm đạm, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép.

Theo số liệu Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (GACC), xuất khẩu thép của nước này trong tháng 5 đạt 8,4 triệu tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 9/2016. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, lượng thép xuất khẩu tăng mạnh 41% so với cùng kỳ năm 36,3 triệu tấn.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu nhằm giải phóng hàng tồn kho đồng nghĩa với việc giá bán liên tục giảm. Trong tháng 5, giá thép xuất khẩu của nước này xuống dưới 1.000 USD USD/tấn (920 USD/tấn).

Việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và hạ giá thép đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Ngành thép Việt Nam trong 5 tháng năm tiếp tục chịu áp lực từ nhu cầu nội địa thấp và áp lực cạnh tranh từ xuất khẩu. Chính vì thế, từ 8/4 đến nay, thép trong nước đã có 10 phiên giảm giá liên tiếp. Cùng với việc Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giảm giá nhanh để cạnh tranh, dự báo giá thép trong nước sẽ vẫn còn có những đợt giảm giá trong thời gian tới.