Giá rau Đà Lạt từ vườn ra chợ tăng đến 5 lần

Admin

Ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng), thời gian gần đây, giá thu mua rau giảm khiến nông dân phải bán lỗ, thậm chí đổ bỏ. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn phải mua rau Đà Lạt với giá cao.

Sự chênh lệch giá rau từ vườn ra chợ là điều đương nhiên, nhưng câu chuyện ở chỗ mức chênh lệch đang được cho là quá cao.

4.000 đồng một kg hành ba rô, giá bán này tại vườn khiến nhà vườn nào cũng phải thở dài trong ngày thu hoạch. Bắp sú, cải thảo được trồng khá nhiều ở Đà Lạt và các vùng phụ cận, giá cũng chỉ ở mức 5.000 đồng/kg.

Giá rau nông dân bán tại vườn là vậy. Còn ngay tại chợ Đà Lạt, giá bán rau chênh lệch quá lớn so với giá rau tại vườn. Bắp sú bán tại vườn có giá 5.000 đồng/kg, còn ở đây là 15.000 đồng/kg.

Hành ba rô giá 4.000 đồng/kg tại vườn, còn ở chợ, giá lên đến 30.000 đồng/kg.

Giá rau Đà Lạt từ vườn ra chợ tăng đến 5 lần - Ảnh 1.

Tại chợ Đà Lạt, giá bán rau chênh lệch quá lớn so với giá rau tại vườn. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Ngay giữa vùng rau Đà Lạt, quãng đường đưa rau từ vườn ra chợ không xa, tuy nhiên mức chênh lệch giá rau đã gấp từ 3 - 5 lần. Mức chênh lệch này sẽ còn cao hơn đối với thị trường tiêu thụ cách xa vùng rau Đà Lạt.

"Do tiền cước xe, hư hao. 20 kg ở Đà Lạt, xuống vựa chỉ còn 15 - 16 kg, tiền thuê vựa, tiền công cán nên càng đẩy giá lên", ông Vũ Xuân Võ, phường 7, TP Đà Lạt, Lâm Đồng, cho biết.

Với gần 3 triệu tấn rau đưa ra thị trường mỗi năm, Lâm Đồng là vùng chuyên canh rau đứng đầu cả nước. Tuy nhiên cho đến lúc này, tổ chức tiêu thụ mặt hàng rau vẫn là bài toán khá nan giải. Phần lớn nông dân lệ thuộc vào vựa thu mua, rất khó rút ngắn mức chênh lệch giá rau từ vườn ra chợ.

"Rất tội, nhà vườn bán rẻ, dân buôn mua nhưng do khi đưa ra chợ, không bán được nên phải mua rẻ", bà Trần Thị Mai, tiểu thương chợ Đà Lạt, Lâm Đồng, chia sẻ.

Điều này khiến sức tiêu thụ rau không thể tăng lên, nghĩa là không thể giảm áp lực dư thừa. Cuối cùng, nông dân vẫn là người chịu thiệt.

Chuỗi liên kết gỡ khó cho thị trường rau Đà Lạt

Dù giữa lúc giá rau Đà Lạt lao dốc, nhiều nhà vườn phải đổ bỏ. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn có những nông dân Đà Lạt, nhờ tham gia vào chuỗi liên kết, đã bán rau với giá ổn định, giữ được ổn định sản xuất. Khi canh tác có kế hoạch, gắn liền với thị trường tiêu thụ, nông dân đã tránh được vòng luẩn quẩn "được mùa, mất giá".

Nhiều khác biệt trong khu vườn của ông Nguyễn Văn Chính, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Một là trồng ớt trong nhà kính, kiểm soát tối đa các mối nguy dịch hại. Hai là trước khi trồng, nông dân đã biết họ phải trồng với diện tích bao nhiêu, chất lượng cần có như thế nào. Đặc biệt hơn, ngay lúc trồng, nông dân đã biết được giá bán khi thu hoạch.

"Năm nay cung cấp, nhưng hợp đồng giá cả từ năm trước nên đầu ra rất yên tâm. Hiện tại giá cả đi xuống như chúng tôi không vấn đề gì", ông Nguyễn Văn Chính, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, cho hay.

Ông Chính là 1 trong 60 nông hộ liên kết sản xuất với Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp An Phú. HTX hỗ trợ nông dân các khâu trong quá trình sản xuất, bắt đầu từ việc cung cấp cây giống đến hướng dẫn kỹ thuật. Nhờ vậy, sản phẩm rau làm ra ổn định về sản lượng theo kế hoạch xây dựng từ trước và quan trọng hơn là chất lượng đáp ứng yêu cầu của đối tác tiêu thụ.

Đến thời điểm này, diện tích sản xuất theo chuỗi liên kết của HTX An Phú đã lên khoảng 60 ha, mỗi ngày đưa ra thị trường từ 5 - 7 tấn rau. Nền tảng của chuỗi liên kết này là đầu tư công nghệ cao, đảm bảo chất lượng rau, từ đó giữ ổn định được đầu ra.

"Liên kết trong chuỗi như vậy, chương trình sản xuất rất bền vững, các rủi ro được HTX xử lý kỹ bằng các hợp đồng bao tiêu sản phẩm", ông Lê Văn Ba, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX An Phú, Lâm Đồng, cho biết.

Đối với mặt hàng rau, vốn cần được tiêu thụ ngay khi vào vụ thu hoạch, chính các chuỗi liên kết đã dần định hình lối canh tác theo kế hoạch, tránh ồ ạt trồng một loại rau dẫn đến dư thừa. Hơn nữa, giảm bớt chi phí trung gian, nghĩa là hạn chế chênh lệch quá mức giá rau từ vườn ra chợ.

"Một số liên kết còn cung cấp phân bón, vật tư và thu mua lại sản phẩm. Một số khác ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm lâu dài. Khi nông dân tham gia liên kết thì ổn định tiêu thụ sản phẩm", ông Nguyễn Phúc Tín, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Lâm Đồng, thông tin.

Ở tỉnh Lâm Đồng, số chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nông sản tăng nhanh sau mỗi năm. Như năm vừa qua, tăng thêm 31 chuỗi liên kết và hiện tại, cả tỉnh có 215 chuỗi liên kết với gần 20.000 hộ. Năm nay, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục hỗ trợ các chủ thể tham gia chuỗi liên kết để mở rộng quy mô sản xuất lẫn thị trường. Đây cũng là hướng đi lâu dài cho thị trường nông sản ở những vùng nông nghiệp trọng điểm như Lâm Đồng.