Gắn sao Michelin, rồi sao nữa?

Admin

55 nhà hàng, quán ăn đầu tiên trong danh sách Cẩm nang Michelin là cơ hội quảng bá ẩm thực, thúc đẩy du lịch ẩm thực với mục tiêu đưa TP HCM trở thành điểm đến hấp dẫn

Gắn sao Michelin, rồi sao nữa? - Ảnh 1.

Các quán ăn được Michelin vinh danh Ảnh: Michelin

Ngày 15-6, Sở Du lịch TP HCM phối hợp với Hiệp hội Ẩm thực TP HCM (FBA) đã tổ chức tọa đàm "Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhà hàng, quán ăn đầu tiên tại TP HCM trong danh sách Cẩm nang Michelin".

Tiềm năng du lịch ẩm thực

TP HCM có 1 nhà hàng đạt 1 sao Michelin, 1 cá nhân nhận giải thưởng Michelin Service Award; 38 nhà hàng, quán ăn Michelin Selected (nhà hàng được Michelin đề xuất) và 16 nhà hàng Bib Gourmand (nhà hàng có đồ ăn ngon với giá cả phải chăng).

Là một trong những nhà hàng được công nhận chuẩn Michelin, bà Phạm Thanh Hoa, đại diện Quán Bếp Mẹ Ỉn, cho biết chị và chồng là người Pháp rất mê món ăn đường phố nhưng khó tìm được nhà hàng, quán ăn đường phố nào bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở góc độ "cảm thấy yên tâm". Vậy là họ quyết định mở quán ăn với mục tiêu quảng bá ẩm thực qua những món ăn đường phố.

"Du khách rất thích và quan tâm đến trải nghiệm đường phố nhưng một trong những khó khăn của ngành ẩm thực là tìm kiếm nhân sự gắn bó lâu dài. Do đó, tôi mong cơ quan quản lý hỗ trợ đào tạo nhân sự, định hướng để cùng phát triển, nâng tầm du lịch" - chủ Quán Bếp Mẹ Ỉn nói.

Gắn sao Michelin, rồi sao nữa? - Ảnh 2.

Phở Minh - một trong các quán ăn, nhà hàng nằm trong danh sách Bib Gourmand tại TP HCM Ảnh: GIANG VŨ

Đầu bếp gốc Việt Peter Cường Franklin, người sáng lập Anan Saigon (quán được Michelin gắn 1 sao), cho biết việc được gắn sao là cơ hội thúc đẩy ẩm thực trong nước. 

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ để phát triển ẩm thực ra thế giới, ông Peter Cường Franklin cho rằng TP HCM là nơi hội tụ ẩm thực, tinh hoa của thế giới và có những nguồn ẩm thực tươi, sạch. Ngành ẩm thực có thể tập trung những yếu tố này để phát triển ẩm thực, thu hút khách du lịch.

Cần chuẩn bị dài hơn để vươn tầm

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Lại Minh Duy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, Tổng Giám đốc Công ty TSTtourist - cho biết gần đây, một số hãng lữ hành nước ngoài đều hỏi Việt Nam đã có nhà hàng được công nhận Michelin chưa và nếu có thì đưa vào lịch trình tour bởi chuẩn Michelin rất phổ biến đối với khách du lịch ở nước ngoài.

Việc được Michelin công nhận đối với các nhà hàng, quán ăn là cơ hội để Việt Nam đón khách và quảng bá ẩm thực, nhưng khi đưa vào tour du lịch và chào bán sản phẩm cho khách đoàn, cần chuẩn bị dài hơi hơn. Khách khi thưởng thức ở các nhà hàng Michelin sẽ thường theo nhóm nhỏ và không để ý chi phí, nhưng với khách quốc tế hoặc nội địa đi theo tour thì cần xây dựng thực đơn riêng phù hợp.

Đại diện Hiệp hội Du lịch TP HCM, ông Lại Minh Duy, đánh giá Việt Nam vốn có lợi thế về ẩm thực và được thế giới đánh giá cao nhưng chưa tạo tiếng vang lớn về định hình giá trị, thương hiệu. Lần này, việc Michelin công nhận một số nhà hàng là thời điểm khá phù hợp để ẩm thực Việt Nam tiến xa hơn.

"Các nhà hàng, quán ăn có trong danh sách cần làm cách nào để đưa ẩm thực ra sân bay - cửa ngõ đón khách quốc tế để khi du khách vừa xuống máy bay là biết nhà hàng nào được Michelin khuyến nghị để tới. Giải pháp này không khó nếu áp dụng công nghệ và tích cực quảng bá" - ông Duy nói.

Theo các doanh nghiệp, về lâu dài, cần có định hướng phát triển đối với các nhà hàng, quán ăn trong danh sách Michelin. Như một quán phở phục vụ khách gia đình thì không sao nhưng khi khách du lịch theo đoàn đến số lượng nhiều thì không gian, thời gian, khung giờ phục vụ ra sao.

Các doanh nghiệp kiến nghị lâu nay ngành du lịch khi quảng bá dường như chỉ tập trung vào biểu diễn ẩm thực hoặc giới thiệu những món ăn dân gian, nay nếu cụ thể hóa bằng cách mời theo những đầu bếp trứ danh giới thiệu các món ẩm thực đặc sắc qua các sự kiện để khách quốc tế thưởng thức và trải nghiệm… sẽ đạt hiệu quả hơn. Ngoài ra, để quảng bá ẩm thực, góp phần thúc đẩy du lịch cần đồng bộ thực đơn ẩm thực của cả nước, trong đó cụ thể hóa món ăn đặc trưng của từng vùng miền. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết sẽ phối hợp để cùng xây dựng các giải pháp ngắn hạn từ nay tới hết năm 2023 và trung hạn tới năm 2025 nhằm đưa ẩm thực của Việt Nam nói chung và các nhà hàng, quán ăn, điểm đến ở TP HCM vươn xa hơn.

"55 nhà hàng, quán ăn đầu tiên trên địa bàn trong danh sách Cẩm nang Michelin mang đến tín hiệu tích cực cho ngành du lịch, giúp tăng cường nhận thức của du khách quốc tế về ẩm thực Việt, khuyến khích khách quốc tế khám phá những món ăn đặc trưng. Từ đó, góp phần thúc đẩy du lịch ẩm thực với mục tiêu đưa Việt Nam và TP HCM trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.