Ông Yến, ngụ Bình Dương, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám trong tình trạng không thể nhấc tay trái, khó thực hiện các hoạt động thường ngày như chải đầu, gãi lưng, cầm nắm đồ vật... Người bệnh cho biết tình trạng xuất hiện sau khi ngã từ độ cao chưa đến 0,5 m khoảng một tháng trước.
ThS.BS.CKI Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết ông Yến bị rách dọc theo 2/3 chiều dài gân dưới vai ở vai trái. Trường hợp này được gọi là rách gân cơ dưới vai đơn thuần, ít gặp, chiếm khoảng 5% các trường hợp rách gân chóp xoay.
Gân dưới vai là một gân lớn, thuộc nhóm cơ chóp xoay, phối hợp với các gân cơ khác để khớp vai hoạt động. Gân này giúp vai thực hiện các động tác xoay trong như đưa tay với qua vai đối diện, gãi lưng, cài áo ngực... Các gân cơ chóp xoay bị tổn thương làm giảm đáng kể tầm vận động vai của người bệnh, khó thực hiện các sinh hoạt tối thiểu hằng ngày.
Bác sĩ chỉ định khâu gân dưới vai hai hàng qua nội soi để khôi phục tầm vận động khớp vai cho người bệnh.
Theo bác sĩ Ân, phương pháp nội soi ít xâm lấn, nguy cơ nhiễm trùng thấp, giúp người bệnh giảm đau và ít mất máu. Với kỹ thuật khâu gân hai hàng, đoạn gân cơ dưới vai bị rách được kết hợp lại vững chắc hơn, độ phủ lên vị trí vết rách tốt hơn, giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn. Toàn bộ ca phẫu thuật được thực hiện dưới hệ thống máy nội soi Premium Tower VIMS với công nghệ hình ảnh 7k, giúp bác sĩ quan sát rõ vị trí tổn thương, thao tác nhanh chóng và chính xác.
Sau phẫu thuật, ông Yến phục hồi tốt, xuất viện vào ngày thứ ba. Người bệnh không còn đau, tầm vận động tay trái chưa phục hồi hoàn toàn nhưng cải thiện đáng kể, có thể thực hiện một số động tác đơn giản. Để nhanh chóng lấy lại tầm vận động khớp vai, người bệnh được chỉ định tập phục hồi chức năng liên tục với các bài tập được thiết kế riêng theo sức cơ và tầm vận động. Tiên lượng sau ba tháng, người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn.
Theo bác sĩ Ân, rách gân cơ dưới vai còn gọi là rách gân "ẩn giấu" vì thường bị bỏ sót. Ở giai đoạn đầu, vết rách còn khá nhỏ, triệu chứng chưa rõ rệt nên người bệnh thường chủ quan, dẫn đến điều trị chậm trễ, gây đau trước vai và yếu vai dai dẳng. Theo thời gian, vết rách ngày càng lớn hơn, khớp vai yếu đi, giảm tầm vận động, người bệnh gặp khó thực hiện các động tác xoay trong, thúc đẩy thoái hóa khớp vai phát triển.
Dấu hiệu đặc trưng của tổn thương các gân cơ khớp vai là đau yếu vai. Cơn đau xuất hiện ở mặt ngoài khớp vai, lan xuống cánh tay nhưng không vượt quá khuỷu, đau có thể lan lên cổ và làm cho người bệnh không thể nằm nghiêng bên vai bị đau. Người bệnh có thể cảm thấy yếu và giảm tầm vận động khớp vai, không thể thực hiện các động tác trong sinh hoạt thường ngày.
Người trẻ gặp chấn thương vùng vai nhưng triệu chứng kéo dài và không đỡ khi sử dụng thuốc... cũng có thể do tổn thương gân cơ khớp vai. Lúc này, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Phi Hồng
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |